Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Những điều cần thiết khi đi du lịch Đà Nẵng

Để có một chuyến đi du lịch trọn vẹn bạn cần phải rất cẩn thận để chuẩn bị những vật dụng cần thiết. Chuyên mục xin chia sẻ những vật dụng thiết yếu trong một chuyến đi du lịch Đà Nẵng 

1) Các giấy tờ cần thiết


Khi đi du lịch Đà Nẵng các bạn cần lưu ý mang theo các giấy tờ tùy thân sau:

- CMND gốc hoặc hộ chiếu, bằng lái xe, vé tàu xe, các giấy tờ đặt chỗ và dịch vụ khác (nếu có)…
- Trẻ em có bản chính hoặc bản sao giấy khai sinh có chứng thực.
- Sổ tay nhỏ ghi chép những địa chỉ, số điện thoại có thể liên lạc nếu bạn có việc cần liên hệ.
- Bản sao giấy đăng ký kết hôn (1 khách nước ngoài + 1 khách Việt Nam ở chung phòng)
- Phiếu xác nhận đặt phòng của Discounttravel để làm thủ tục đăng ký khách sạn.

2) Tiền, thẻ ATM

Dĩ nhiên là đi du lịch sẽ phải mang theo tiền nó quyết định đến 90% thành công chuyến đi của bạn đấy nhưng cũng không nên mang quá nhiều. Vì vậy phải chuẩn bị thật kỹ để đế lúc lên đường có khi lại quên.
Ngoài ra để thuận tiện thì bạn nên đem theo thẻ ATM để tránh xảy ra mất mát hoặc trường hợp hết tiền còn có thể gọi cho người thân nhờ hỗ trợ.

3) Vệ sinh cá nhân


Để thuận tiện cho việc vệ sinh cá nhân bạn cũng nên chuẩn bị:

- Bàn chải, kem đánh răng, dung dịch súc miệng, lược, khăn mặt.
- Dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, kem chống nắng, dung dịch tẩy trang.
- Kem và đồ dùng cạo râu cho nam, các loại mỹ phẩm.

Ngoài ra để đảm bảo sức khỏe cho chuyến đi du lịch Đà Nẵng của mình bạn cần mang theo xà phòng diệt khuẩn để giữ cho đôi tay luôn sạch sẽ, giảm thiểu khả năng ngộ độc thực phẩm

4) Đồ điện tử


Để có thể lưu giữ những khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ trên mảnh đất du lịch Đà Nẵng du khách có thể đi tour du lịch miền trung để thư giãn và có thể giải quyết công việc từ xa bạn nên mang theo một số vật dụng sau:

- Bản đồ
- Máy chụp ảnh, pin, sạc, thẻ nhớ
- Máy nghe nhạc Ipod/ Discman/MP3, pin
- Đồ sạc pin cho điện thoại di động, máy chụp ảnh, quay phim, laptop, Ipad.

5) Y tế

 

Một trong những thứ cần thiết nhất của chuyến đi, để đảm bảo chuyến đi của chúng ta được an toàn và  thoái mái nhất bạn nên mang theo thuốc cảm, băng cá nhân, oxy già, thuốc trị côn trùng cắn, dầu gió, thuốc đau bụng, thuốc say tàu xe, máy bay… để đề phòng những lúc bị cảm hay tai nạn bất ngờ tại điểm du lịch.

6) Trang phục

Quần áo

Các bạn chú ý nên mang theo những bộ quần áo gọn nhẹ, dễ giặt và dễ gấp nhỏ. Bên cạnh đó bạn cũng cần chú ý mang theo nón, áo mưa, dù gấp nhỏ để tránh mưa và tránh nắng thời tiết của Đà Nẵng
Đi biển: Khi đi biển các bạn cần mang theo quần áo tắm, khăn, kem chống nắng, nón rộng vành…
Đi leo núi: Trang phục gọn gàng, giầy đế thấp (bata hoặc giày thể thao là tốt nhất), trang phục giữ ấm, khăn quàng

Giày dép

Khi đi du lịch bạn phải di chuyển thường xuyên và đi bộ khá nhiều. Do đó bạn cần chuẩn bị giày, dép đế mềm để thuận tiện và thoải mái di chuyển.
Với những chú ý ở trên chắc các bạn cũng nhớ và chuẩn bị cho mình rồi đúng không?

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

Những nét đẹp văn hóa của con người Miền Trung Việt Nam

Vùng duyên hải miền Trung gồm 6 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương. Diện tích tự nhiên toàn vùng khoảng 38.236,42 km2; dân số toàn vùng là 8.186.871 người, mật độ trung bình 214 người/km2 (số liệu thống kê năm 2010). Phần lớn dân cư trong vùng sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng ven biển. Vùng miền núi ở phía tây của vùng là nơi sinh sống của các tộc người thiểu số, với mật độ dân cư thưa thớt hơn. 

1. Không gian văn hóa vùng
Khác với hai vùng châu thổ ở hai đầu đất nước vốn được bồi tụ từ một trục sông chính cùng với sự kết nối chặt chẽ của các chi lưu, vùng duyên hải miền Trung là nơi chịu sự phân cắt mạnh bởi địa hình, tạo thành các tiểu vùng, giới hạn bởi các dải núi từ dãy Trường Sơn ở phía tây vươn ra tới biển. Các dòng sông trong vùng thường ngắn và dốc, chảy theo hướng đông - tây ra biển, lưu vực nhỏ, cửa sông thường bị chế ngự bởi các cồn cát chạy dài dọc bờ biển. Vì thế trong toàn vùng không có sự liên kết trực tiếp bằng mạng lưới đường thủy như các vùng châu thổ ở Bắc Bộ và Nam Bộ.

Do đặc điểm cắt xẻ của nhiều dòng chảy và sơn hệ chằng chịt trên cùng một dải địa hình như vậy nên vùng duyên hải miền Trung thường bao gồm những dải đồng bằng nhỏ hẹp, vừa mang tính chất cận duyên lại vừa mang tính thung lũng rừng núi. Nếu không kể những bãi bồi của rất nhiều dòng chảy do địa hình dốc từ sườn đông của núi tạo nên, thì dải đất mà người ta gọi là đồng bằng, thực chất chỉ là sự trải rộng của chân núi, một chút “hào phóng” của tạo hóa ban cho người dân sống bằng nghề nông nghiệp. Chính vì vậy, có những đoạn núi lấn sát tận mặt nước biển thì khoảng đồng bằng ấy bị thu nhỏ lại hoặc biến mất. Điều này khiến vùng duyên hải miền Trung Việt Nam mang nhiều điểm tương đồng với các vùng khác trong khu vực Đông Nam Á bán đảo và hải đảo, tuy nhiên, có một điểm khác biệt nổi bật là “sự vắng bóng một con sông thống hợp như Mê Kông hay Irrawady (Myanmar)”.
Với đặc điểm cấu tạo địa hình như vậy, không gian văn hóa vùng duyên hải miền Trung thường bao hợp cả không gian văn hóa biển đảo, văn hóa duyên hải, văn hóa nông thôn đồng bằng và văn hóa miền núi - trung du.

1.1. Văn hóa biển đảo
Duyên hải miền Trung nằm ở vị trí “ưỡn ra” của dải bờ biển nước ta, nơi biển sâu, có dòng hải lưu từ phía bắc qua rìa đảo Hải Nam (Trung Quốc) xuống các tỉnh duyên hải miền Trung tạo nên thế mạnh của các nguồn thủy sản và nghề đánh bắt cá. Bên cạnh đó, các chuỗi quần đảo và đảo như: Hoàng Sa (Đà Nẵng); Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Cù Lao Xanh, Hòn Đất, Hòn Khô, Hòn Ông Cò, Hòn Nghiêm Kinh Chiểu, Hòn Trâu, Hòn Đụn, Hòn Tranh, Hòn Rùa (Bình Định), Cù Lao Hòn Nần, Hòn Nhất Tự Sơn, Cù Lao Ông Xá, Hòn Mái Nhà, Hòn Chùa (Phú Yên); và Hòn Nội, Hòn Ngoại, Hòn Tre, Trường Sa (Khánh Hòa)… cũng tạo nên diện mạo văn hóa giàu chất biển hơn các vùng khác trên cả nước.

Trong nhiều thế kỷ trước, một số đảo ở vùng duyên hải miền Trung đã có con người cư trú. Trong đó, quần đảo Cù Lao Chàm từng là bến cảng nằm trên “con đường tơ lụa trên biển” nối liền từ đông sang tây, có tính chất và niên đại cùng với cảng Kokokhao, Laempho của Nam Thái Lan, cảng Mantai của Srilanca khoảng thế kỷ IX - X.1 Một số đảo hiện nay như Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Cù Lao Xanh… vẫn có con người sinh sống, họ canh tác trên những thửa ruộng bậc thang và hành nghề biển, họ vẫn lưu giữ những phong tục, tập quán, kiêng kỵ, lễ hội gắn liền với đời sống văn hóa của cư dân sông nước.

Cũng như các vùng khác trong nước, vào những thế kỷ trước, việc khai thác biển của người Việt vẫn chỉ dừng lại ở mức khai thác biển cận duyên, con người vẫn “đứng trước biển” chứ chưa vượt ra đại dương để đánh bắt cá xa bờ, buôn bán trên biển hoặc khai thác các nguồn tài nguyên nơi thềm lục địa. Điều này được lý giải bởi nguyên nhân là trong môi trường hết sức hung dữ, tiềm ẩn nhiều tai ương của biển, con người rất sợ hãi và khó lòng chinh phục nếu như không được hỗ trợ của kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu  như người Việt ở Bắc Bộ và Nam Bộ chỉ ưu tiên khuynh hướng “quai đê lấn biển” để có ruộng làm nông nghiệp thì người Việt ở vùng duyên hải miền Trung lại khác. Do thiên nhiên tạo nên ở vùng biển miền Trung các luồng hải lưu gần bờ, đã đem đến cho vùng biển này những luồng cá lớn đi sát bờ, và do địa hình có núi vươn ra sát biển, hoạt động nông nghiệp khó khăn do đồng bằng chật hẹp, nên khi thiên di tới vùng đất này, người Việt buộc phải thích nghi với biển. Vì vậy, có thể nói, chất biển đậm màu trong văn hóa của người Việt ở vùng đất này, thể hiện trong nếp sống văn hóa với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội dân gian.

1.2. Văn hóa duyên hải
Vùng duyên hải miền Trung được che chắn bởi những cồn cát nằm ven biển chạy dọc từ bắc xuống nam. Phía sau những cồn cát rộng lớn bao giờ cũng có những đầm hồ hẹp, là dấu tích của vụng biển cũ. Cũng có khi rìa phía sau là cả một con sông dài chảy song song với bờ biển, một mặt nó đánh dấu một cách rõ rệt đường bờ biển cũ, một mặt nó lại là một con đường giao thông nội địa quan trọng cho ghe thuyền đi lại ven biển, điều này thể hiện rất rõ ở sông Cổ Cò chảy từ Hội An ra Đà Nẵng trong những thế kỷ trước. Mặc dù là những vùng đất cát, nhưng nhờ những bàu và sông mà cư dân người Việt đã tìm được ở đây nơi định cư, họ hình thành nên những làng mạc, đặc biệt là những làng chài lưới và đánh cá.

Trên vùng duyên hải này, khi tiến dần về phương Nam mở cõi, người Việt đã gặp biển và theo truyền thống nông nghiệp, họ “quai đê lấn biển”, khai phá những vùng sình lầy, phù sa ven biển và sử dụng một số biện pháp khử mặn, rửa chua, thuần hóa đất… Về đại thể, họ xử lý không gian biển cũng giống như cách xử lý của không gian đồng bằng. Cư dân vùng này tuy sống ven biển nhưng do điều kiện môi trường và phương tiện khai thác thủy, hải sản còn hạn chế, nên chỉ một bộ phận trong số họ sinh sống bằng nghề biển. Phần dân cư còn lại sống bằng nghề nông, trồng các loại hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày như khoai, sắn, đậu phụng, thuốc lá... trên các vùng đôộng cát và một ít lúa nước trong những dải đất hẹp ở các cồn bàu ven biển. Chính điều này đã tạo nên những nét văn hóa mang đặc trưng riêng, không giống các làng/xã thuần ngư khác ở trong nam, ngoài bắc: Những làng/xã ở vùng duyên hải miền Trung, tuy là mang danh là làng ngư nghiệp, song trong đền thờ của làng thì thờ tiền khai canh, vốn làm nghề chài lưới, nhưng hậu khai khẩn lại là dân làm ruộng (hay ngược lại); vừa có những lễ hội cầu ngư nhưng vừa có lễ đảo vũ (cầu mưa), cầu cho mùa màng phong đăng hòa cốc. Mặt khác, do ở sát biển, nên họ nhận ra giá trị của biển, từ đó, mà phát triển nghề đánh bắt cá và nghề làm muối. Mùa hè, họ lợi dụng chế độ thủy triều lên xuống để đưa nước biển vào ruộng và phơi khô làm muối. Một số nơi có nghề làm muối phát triển và nổi tiếng trong cả nước như Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Tuyết Diêm (Phú Yên), Ninh Diêm (Khánh Hòa).

Cư dân ở vùng duyên hải miền Trung do tiếp xúc với biển và nhiều luồng văn hóa khác nhau nên đã tích lũy được một số kiến thức nhằm khai thác biển, như nhận thức về các hiện tượng tự nhiên, độ nông sâu, thoải dốc của bờ, các dòng hải lưu nóng lạnh, chế độ thủy triều, chu kỳ con nước, các loại hải vật và sinh hoạt của chúng trong không gian và thời gian, các công cụ đánh bắt, hướng gió, mây, trăng, sao… cùng những kiêng kỵ dần dần hình thành trong đời sống văn hóa của họ.

Khắp vùng duyên hải miền Trung, từ Thừa Thiên Huế cho đến Khánh Hòa, nơi đâu chúng ta cũng bắt gặp những hình thức tín ngưỡng dân gian độc đáo. Những nét văn hóa này cho dù đã trải qua bao thế kỷ nhưng vẫn không hề mất đi mà chúng được các thế hệ người dân gìn giữ truyền hết đời này sang đời khác, cho dù trong quá trình tiếp xúc với các cộng đồng cư dân khác, đôi khi cũng có sự giao hòa giữa cái mới và cái cũ, hoặc hình thành nên những phong tục, tập quán, nghi lễ mới, phần nhiều gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp hoặc hành nghề sông nước.

1.3. Văn hóa đô thị
Vùng duyên hải miền Trung trải dọc theo bờ biển, với cấu tạo địa hình đặc trưng là hẹp về chiều ngang và bị chia cắt thành nhiều tiểu vùng bởi các mạch núi vươn từ rìa dãy Trường Sơn ra sát biển. Cùng với nó là các con sông ngắn, dốc, hẹp, chủ yếu chảy theo hướng tây - đông. Những đặc điểm này về địa hình không chỉ tạo cho khu vực này mang một diện mạo tự nhiên đặc trưng mà còn hình thành nên một phong cách văn hóa mở. Có nhà nghiên cứu cho rằng: cư dân miền Trung mang một tập quán lao động nông nghiệp lúa nước, tiềm ẩn một chút gì đó phong cách sơn cước nhưng cũng mở ra một hướng nhìn rộng ra biển, nền móng cho sự hình thành của đô thị giao lưu biển.

Phía trước là biển cả đã đem lại cho cư dân nơi đây không chỉ không gian biển đầy sóng gió và những nguồn lợi phong phú từ đại dương, mà còn tạo cho họ một phong cách sống, một lối tư duy khoáng đạt, rộng mở, sẵn sàng đón nhận những luồng dịch chuyển văn hóa mạnh mẽ từ bên ngoài vào. Phong cách sống, lối tư duy đặc trưng ấy cùng với thời gian, với những con sóng, ngọn gió cùng với sự quần cư của số đông người ven những con sông thì diện mạo đầu tiên của một đô thị được hình thành.
Từ sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa quốc vương Chế Mân của Champa với công chúa Huyền Trân của Đại Việt vào năm 1306, thì vùng đất Ô, Lý của Champa trước đây đã thuộc về lãnh thổ Đại Việt. Từ sự kiện này, vùng đất Thuận Hóa (nay là địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) và một phần Quảng Nam (nay là địa bàn Đà Nẵng và các huyện phía bắc của Quảng Nam) được hình thành và cư dân Việt bắt đầu di trú đến vùng đất này. Trải qua các triều đại: Trần, Hồ, Lê, chúa Nguyễn, người Việt tiếp tục đi về phía nam, vượt bao đèo cao hiểm trở, qua bao sông rộng, đến mở mang, khai phá nên những vùng đất mới mà sau này chính là địa bàn của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…

Dưới thời các chúa Nguyễn cai trị ở Đàng Trong (1558 - 1775), nhiều đô thị thương cảng được hình thành và phát triển rực rỡ như Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế), Nước Mặn (Bình Định)... Những đô thị cổ này thường nằm bên những con sông lớn, bởi nó thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Những cảng thị ấy xuất hiện như một tất yếu trong một không gian văn hóa của cả vùng duyên hải miền Trung, chúng được các nhà nghiên cứu gọi là “mặt tiền văn hóa” của miền đất này. Chính đô thị là nơi gặp gỡ của những luồng văn hóa khác nhau ở trong nước cũng như quốc tế. Sự giao lưu với những luồng văn hóa từ bên ngoài thông qua những con sông đã tạo dựng nên một lối tư duy của cư dân đô thị thương cảng.

Những dấu tích của một đô thị thương cảng còn được bảo tồn nguyên vẹn chính là đô thị cổ Hội An. Theo dòng thời gian, cư dân từ mọi miền đất nước, cả cư dân các nước Trung Hoa, Nhật Bản và những thương nhân phương Tây đã đến đây giao thương, buôn bán hoặc định cư cùng với những phong tục, tập quán của mình đã làm cho diện mạo văn hóa nơi đây trở nên phong phú. Giờ đây, tuy không còn vai trò là một đô thị thương cảng như xưa, nhưng Hội An vẫn giữ được cho mình những giá trị văn hóa đặc sắc mà ít nơi nào trên thế giới còn lưu giữ được, Hội An vẫn là nơi được xem là trung tâm “hội thủy, hội nhân và hội tụ” văn hóa từ khắp các vùng khác nhau. Người ta vẫn có thể tìm thấy nét đặc trưng của một Hội An xưa kia trong lối sống của các cư dân đô thị.

Trong vùng duyên hải miền Trung đã hình thành một chuỗi đô thị: Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang… Phần lớn các đô thị đều đã hơn trăm năm tuổi nên đã hình thành trong lòng nó một tầng lớp thị dân và một đời sống văn hóa đô thị. Tuy nhiên, so với các đô thị lớn ở hai đầu đất nước, đô thị ở miền Trung là các đô thị quy mô nhỏ, tầng lớp thị dân ở các đô thị này có gốc gác trực tiếp với tầng lớp nông dân ven đô. Vì thế văn hóa đô thị ở trong vùng duyên hải miền Trung có tính chất đặc thù, khác với văn hóa đô thị ở các đô thị lớn, và có mối quan hệ chặt chẽ với những vỉa tầng văn hóa khác ở trong vùng.

1.4. Văn hóa nông thôn đồng bằng

Càng đi về phía nam, đồng bằng duyên hải miền Trung càng hẹp lại, chỉ còn một dải đồng bằng nhỏ nằm ven biển. Các nhà địa lý, địa chất cho rằng, đồng bằng ở đây có nguồn gốc khác nhau. Loại đồng bằng phù sa mới chỉ kéo dài ven thung lũng sông, thường bị thu hẹp về phía biển bởi các thành tạo hỗn hợp sông biển, hay đơn giản là các thành tạo biển dưới dạng cồn cát, trảng cát rộng. Đất phù sa sông thường nghèo hơn phù sa châu thổ, hay bị ngập mặn do nước biển thâm nhập vào mùa khô. Tất cả các đồng bằng này đều là những vụng biển cũ về sau mới được bồi đắp, nhưng chưa hoàn thành xong. Hàng loạt đầm hồ còn thấy nằm rải rác trong đồng bằng, nhất là ở sau các cồn cát và doi cát ven biển như: đầm Cầu Hai (Thừa Thiên Huế); đầm Ông Tong, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan (Phú Yên); đầm Trà Ổ, đầm Nước Ngọt, đầm Mỹ Khánh, đầm Thị Nại (Bình Định); đầm Nga Mân, đầm An Khê, đầm Long Thạch (Quảng Ngãi)…

Đất phù sa trong các đồng bằng này thường rất màu mỡ, bởi do địa hình chia cắt bởi các con sông nên mạng lưới sông ngòi ở đây tương đối phát triển, cung cấp nước cho các cánh đồng. Người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa và các loại cây hoa màu như mía, khoai, đậu phụng và bắp. Một số nơi người ta trồng rất nhiều dừa như ở khu vực Tam Quan (Bình Định), những rừng dừa bạt ngàn nơi đây ước đến 1.000.000 cây trên một chiều dài khoảng chừng 30 km, rộng 20 km, làm cho cảnh quan ở đây xanh và tươi mát lạ thường.

Trong quá trình tiếp xúc với biển, cư dân ở vùng duyên hải đã biết vượt qua những khó khăn, trở ngại để canh tác trên đồng ruộng và hướng biển. Trên những cánh đồng, họ biết cách để “dẫn thủy nhập điền” tưới tiêu hoa màu. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua, các nhà khảo cổ đã phát hiện những dấu vết của hệ thống mương máng thời cổ ở một số tỉnh, thành duyên hải miền Trung. Trên hệ thống mương cổ này, người dân đã nạo vét để tạo thành một mạng lưới thủy nông tương đối dày, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Bên cạnh đó, họ còn biết khai thác nguồn nước ngầm bằng cách đào nhiều giếng ngoài ruộng, bên cạnh mỗi giếng lại có chiếc “cần vọt” để múc nước lên tưới cho lúa, mía và hoa màu.

Chính vì vậy, văn hóa của cư dân đồng bằng chính là văn hóa nông nghiệp, hình thành nên những phong tục, tập quán, lễ hội,… gắn liền với các hoạt động sản xuất nông nghiệp như tục làm đất, bắt mộng, tát nước, hạ điền, thượng điền, tục đảo võ cầu mưa, cầu bông, bón phân, gặt lúa, cúng cơm mới, xôi mới, trồng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày…, với những điệu hò, câu lý trong lao động sản xuất, hò khoan đối đáp của trai gái nông thôn… Tất cả đã tạo nên những nét đẹp trong đời sống của người dân nông thôn quanh năm chân lấm tay bùn.

1.5. Văn hóa miền núi - trung du

Vùng duyên hải miền Trung có diện tích rừng chiếm tỷ lệ lớn ôm gọn mặt phía tây, nhiều nơi núi còn nhô ra sát biển bao lấy cả ba mặt đồng bằng, hoặc ngay giữa đồng bằng người ta thấy nổi lên những khối núi. Người dân bản địa sinh sống ở vùng đồi núi này là các tộc người thiểu số như Katu, Cor, Cadong, Raglai, Xêđăng, Giẻ - Triêng, Hrê, Bana, Chăm,… Khác với người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ từ xa xưa vẫn coi rừng núi là “rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí”, đồng bào dân tộc ở đây hoàn toàn quen thuộc và gắn bó với núi rừng. Họ biết cách chinh phục tự nhiên, khai thác những vùng đất bằng hoặc đất thung lũng phục vụ việc canh tác lúa nước, canh tác nương rẫy trồng lúa khô và các loại hoa màu khác. Đồng thời, họ sống cùng rừng nên biết cách trồng rừng, bảo vệ rừng và khai thác tài nguyên rừng, trong đó có những sản phẩm quý như trầm hương, những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như quế…

Một đặc trưng lớn nhất và cơ bản trong đời sống của người dân miền núi là nếp sống nương rẫy. Đây là nếp sống chủ đạo và bao trùm lên tất cả các tộc người trong Vùng. Về kinh tế, đó là truyền thống canh tác nương rẫy trên vùng đất khô của sơn nguyên. Về xã hội, nếp sống nương rẫy duy trì các quan hệ cộng đồng công xã làng buôn, các quan hệ bình đẳng, dân chủ của xã hội nguyên thủy,... Có thể nói, toàn bộ đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của dân tộc miền núi duyên hải miền Trung gắn bó với rừng núi và nương rẫy, từ tín ngưỡng, lễ hội, phong tục, nghi lễ, đời sống tình cảm… Đó có thể được gọi chung là văn hóa rừng.

Cũng do nền kinh tế nương rẫy và trình độ phát triển xã hội tương ứng mà nền văn hóa của họ cơ bản vẫn là nền văn hóa dân gian cùng những tri thức và kinh nghiệm bản địa về bảo vệ rừng, chống xói mòn đất, kinh nghiệm xen canh, luân canh… Và đôi khi chúng được thần bí hóa và khoác bên ngoài lớp áo linh thiêng trong hoàn cảnh con người bất lực trước tự nhiên và xã hội, nên cái tốt, điều xấu đều trông mong, tin cậy vào điềm báo, làm cho hiện tượng điềm báo trở thành hiện tượng phổ biến xâm nhập vào toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội và văn hóa của họ. Bao bọc xung quanh thế giới thực của họ là một thế giới huyền ảo, ở đó có sự ngự trị của thần linh, ma quỷ, các linh hồn. Đó là quan niệm “vạn vật hữu linh”, một quan niệm tín ngưỡng sơ khai của loài người trong xã hội nguyên thủy. Họ cho rằng, mọi vật xung quanh con người đều có yang (hồn, thần), từ các vật dụng như chiêng, ché, đến cây cỏ, sông suối, đồi núi, các con vật… Có yang tốt phù hộ cho con người, có yang xấu làm hại con người nếu làm chúng không vừa lòng. Chính quan niệm yang đã tạo ra những cảm giác tinh tế giữa người và vật, chúng tạo nên những xúc cảm, những tưởng tượng có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống văn hóa và những sáng tạo của con người nơi đây. Tuy nhiên, chúng cũng tạo ra những lớp bao quanh con người là những hồn, ma, khiến con người luôn lo sợ trước lực lượng siêu nhiên.
Có thể nói, các tộc người cùng sinh sống trên vùng núi duyên hải miền Trung có những nét tương đồng và khá đặc trưng về quan niệm ứng xử giữa thế giới người sống và người chết, từ đó tạo nên cả một hệ thống những tập tục, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa xung quanh thế giới người chết, tạo nên một hiện tượng văn hóa dân gian mang tính tổng thể - sinh hoạt nhà mồ. Từ đó, họ sáng tạo ra nghệ thuật trang trí nhà mồ, tượng nhà mồ, các nhạc cụ, bài hát, điệu múa dành riêng cho sinh hoạt lễ hội nhà mồ.

Điểm nổi bật trong đời sống văn hóa của tất cả các tộc người sinh sống trên vùng núi Trung Bộ là lễ hội. Đây là loại hình sinh hoạt tín ngưỡng, đánh dấu những hoạt động sản xuất nương rẫy của cư dân từ lúc chặt cây, gieo hạt tới khi thu hoạch mang lúa về kho; là mốc đánh dấu những sinh hoạt của đời sống con người từ khi sinh đẻ, cưới xin, mừng sức khỏe, tới lúc chết; là sinh hoạt cộng đồng, từ gia tộc đến cả làng buôn như nghi lễ cúng bến nước, lễ cầu no đủ và sức khỏe, lễ lên nhà mới… Trong các lễ hội đó, nghi lễ hiến sinh trở thành quan trọng và không thể thiếu được, ngày nay nó vẫn còn hiện diện trong đời sống của nhiều tộc người thông qua nghi lễ đâm trâu. Điều đặc biệt là trong các lễ hội truyền thống, trong ma chay, cưới hỏi, nghi lễ tôn giáo… không thể thiếu tiếng chiêng. Tiếng chiêng gắn bó với mỗi đời người từ thuở lọt lòng cho đến khi trưởng thành và đến lúc chết; tiếng chiêng âm vang suốt vụ mùa, từ đầu tháng tìm rẫy đến cuối năm gặt hái, săn bắn; tiếng chiêng thôi thúc dân trong làng trong suốt mùa lễ hội, gọi mời khách ngoài làng, đánh thức thần linh trong rừng, trên trời.

2. Di sản văn hóa

2.1. Văn hóa vật thể

Di tích lịch sử văn hóa
Vùng duyên hải miền Trung là nơi có nhiều di tích LSVH bậc nhất Việt Nam. Trong đó có 3 quần thể di tích LSVH đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đó là: Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).
Hầu như ở bất kỳ tỉnh thành nào cũng đều có nhiều di tích LSVH gắn liền với những cư dân đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Đâu đó trong lòng đất, người ta lại bắt gặp những hiện vật của cư dân nền văn hóa Sa Huỳnh có niên đại cách nay trên dưới 2.000 năm, hay những kiến trúc đền tháp của nền văn hóa Champa tồn tại ở khắp các địa phương trong vùng, từ Thừa Thiên Huế cho đến Khánh Hòa, nơi nào cũng có các đền tháp Champa.

Cho đến khi những lưu dân người Việt tiến về phương Nam, trên chặng đường dừng chân tại vùng duyên hải miền Trung, họ đã định cư, sinh sống và để lại những di sản kiến trúc như: đình chùa, đền miếu, lăng tẩm, thành quách, cung điện, nhà cửa… Ở nơi nào, chúng ta cũng bắt gặp những di tích, có di tích được nhà nước công nhận, có di tích do chính quyền địa phương công nhận nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Phần nhiều trong số đó là những di tích gắn liền với danh nhân lịch sử, chứng tích lịch sử, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo… Những di tích này cứ gợi nhắc về cội nguồn dân tộc, về truyền thống đấu tranh của dân tộc trước những thế lực ngoại bang xâm chiếm.

Các bảo tàng
Tất cả các tỉnh thành trong vùng duyên hải miền Trung đều có bảo tàng. Có nơi chỉ một bảo tàng, có nơi lại hai đến ba bảo tàng. Phần lớn các bảo tàng trong vùng là bảo tàng tổng hợp hay bảo tàng khảo cứu địa phương, nhằm lưu giữ, trưng bày, những hiện vật về đời sống tự nhiên, lịch sử, con người... trong vùng. Ngoài ra, còn có những bảo tàng chuyên ngành hoặc bảo tàng chuyên đề như: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Sinh vật biển Nha Trang… Hoặc những bảo tàng danh nhân như: Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh (Thừa Thiên Huế), Bảo tàng Quang Trung (Bình Định), Nhà lưu niệm bác sĩ Yersin (Khánh Hòa)…

Nhìn chung, các bảo tàng đã giới thiệu đến công chúng về vùng đất con người duyên hải miền Trung, cũng như những nền văn hóa, những giai đoạn lịch sử, những chứng tích tội ác của kẻ thù. Đồng thời thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường của quân và dân miền Trung trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc từ ngày giải phóng thống nhất đất nước đến nay.

Danh lam thắng cảnh
Vùng duyên hải miền Trung hiện nay có chiều dài bờ biển khoảng 1.161 km, với nhiều vũng, vịnh và những bãi tắm đẹp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Thuận An, Cảnh Dương Lăng Cô (Thừa Thiên Huế); Xuân Thiều, Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng); Cửa Đại, Tam Thanh (Quảng Nam); Mỹ Khê, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); Quy Nhơn, Hoàng Hậu (Bình Định); Tuy Hòa, Bãi Môn - Mũi Điện (Phú Yên); Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa)...

Bên cạnh đó, duyên hải miền Trung còn nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những thắng tích do thiên nhiên khéo tạo nổi tiếng như: Sông Hương, Ngự Bình, Thiên Thai, Bạch Mã, Hải Vân, Lăng Cô, Cảnh Dương, Thúy Vân (Thừa Thiên Huế); Bà Nà, Sơn Trà, Hải Vân, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng); Cù Lao Chàm, Hồ Phú Ninh, Suối Tiên, mõm Bàn Than (Quảng Nam); Thiên Ấn niêm hà, Cổ Lũy Cô thôn, Lý Sơn (Quảng Ngãi); Bán đảo Phương Mai, Bãi tắm Hoàng Hậu, Suối Tiên, Hầm Hô thắng cảnh, Hồ Núi Một, Động Cườm (Bình Định); Đầm Cù Mông, Vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, Bãi Bàng, Bãi Gốc, Bãi Môn - Mũi Điện và Vũng Rô (Phú Yên); Hòn Chồng - Hòn Đỏ, Đại Lãnh (Khánh Hòa)… Tất cả hòa quyện vào nhau để tạo thành một bức tranh hài hòa giữa bàn tay con người và của tạo hóa.

Ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), người dân thờ Bà trong một ngôi đền sát cửa biển như một vị thần phù hộ cho người đi biển. Còn người Việt, người Cor và người Hoa ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) thì thờ Bà trong ngôi đền Trường Bà như vị thần phù hộ việc buôn bán và hòa hiếu giữa các dân tộc. Ở Đà Nẵng, người ta cũng thờ Bà, nhưng mỗi nơi cũng có những khác nhau. Tại miếu Nam Thọ (quận Sơn Trà), Thiên Ya Na được phối thờ với Phật Bà theo hệ thống kinh kệ của đạo Mẫu ở điện Hòn Chén. Trong khi đó, một ngôi miếu ở Khuê Trung (quận Hải Châu) thì lại phối thờ Thiên Ya Na với Ngũ Hành không theo hệ thống của điện Hòn Chén; tại An Hải (Sơn Trà), Bà được thờ và gọi là Bà Chúa Ghe; tại Ngũ Hành Sơn có miếu thờ Bà gọi Bà Chúa Ngọc. Còn ở Hội An (Quảng Nam), Bà được gọi là bà Chúa Lồi…

Ngoài Thiên Y A Na, ở các tỉnh duyên hải miền Trung, nơi đâu có người Hoa sinh tụ thì nơi đó có đền thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị nữ thần Biển trong tín ngưỡng của người Hoa, nhằm cầu mong sự phù hộ, độ trì của Bà trong công cuộc mưu sinh trên biển.

 Có lẽ đặc trưng và điển hình nhất cho tín ngưỡng dân gian vùng ven biển miền Trung là tục thờ cá Ông (cá voi). Có thể nói, đi đến đâu chúng ta cũng bắt gặp tục thờ này và cá Ông được tôn xưng với các tước hiệu khác nhau như Nam Hải Đại Tướng Quân, Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, Đại Càn Nam Hải Đại Tướng Quân, Đông Hải Ngọc Lân Tôn Thần và các danh xưng dân gian khác như: Ông Khơi, Ông Lộng, Ông Lớn, Ông Sanh, Ông Chuông, Ông Cậu… Trong các làng, nhất là làng chài lưới trên biển đều có lăng thờ cá Ông. Hàng năm, vào những ngày nhất định liên quan đến nghề đánh cá, người dân tổ chức lễ Nghinh Ông từ ngoài biển về để tế lễ và múa hát bả trạo.

Tục thờ cá Ông gắn với một hiện tượng có thật về cá voi hay cứu người, cứu thuyền lúc bão tố ngoài khơi. Do vậy, có thể coi nghi thức thờ phụng cá Ông của cư dân miền Trung như là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể, trong đó cốt lõi là tục thờ cúng cá Ông, một loại hình tín ngưỡng đặc trưng của cư dân ven biển.

Một hiện tượng tín ngưỡng mang sắc thái khá đặc trưng của cư dân duyên hải miền Trung là tục thờ Cô Bác. Đó là tục thờ những người bị hoạn nạn, nhất là bị hoạn nạn trên biển. Khác với thờ cúng tổ tiên theo dòng tộc trong mỗi gia đình, đây là hình thức thờ cúng của cộng đồng, thường có đền thờ riêng hay phối thờ ngoài đình hay trong các ngôi đền miếu cùng các vị thần linh khác. Ngoài ra, tại các làng xã còn thờ cúng nhiều vị thần linh khác, như thờ Bà Thủy (Bà Thủy Long, một trong năm bà Ngũ Hành), Bà Roi, Tiền Hiền, Hậu Hiền và nhiều thần linh mang tính địa phương. Các thần linh kể trên thường không có đền miếu thờ riêng mà được phối thờ chung trong một ngôi đền miếu. Cho nên có thể xem đây là một hiện tượng tín ngưỡng mang tính pha tạp và hỗn dung, trong đó sắc thái tín ngưỡng biển và tín ngưỡng nông nghiệp lồng vào nhau.

Lễ hội

Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa lâu đời, có sức lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân và đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt tinh thần không thể thiếu của nhân dân ta trong nhiều thế kỷ. Trải qua tiến trình lịch sử, lễ hội đã hình thành những đặc trưng cơ bản, khẳng định những giá trị văn hóa, nhân văn của con người, hướng con người vươn tới ước mơ, những điều tốt lành... và góp phần xây đắp những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp trong cộng đồng dân tộc. Ngày nay, trên dải đất duyên hải miền Trung, ở bất kỳ vùng, miền nào cũng có những sinh hoạt lễ hội truyền thống khá đậm nét như: hội đua ghe/thuyền, hội vật làng Sình, lễ hội cầu ngư, lễ hội điện Hòn Chén, lễ vía Quan Thế Âm... (Thừa Thiên Huế); lễ hội Mục đồng Phong Lệ, lễ hội cầu ngư, lễ hội Quan Thế Âm... (Đà Nẵng); lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội cầu ngư, lễ vía Quan Công, lễ vía Thiên Hậu... (Quảng Nam); hội đua ghe thuyền, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ cầu ngư... (Quảng Ngãi); lễ hội cầu ngư (Phú Yên); lễ hội Tháp Bà Nha Trang, lễ hội Am Chúa, lễ hội cầu ngư... (Khánh Hòa). Qua một số lễ hội trên cho thấy, phần lớn sinh hoạt lễ hội gắn liền với đời sống tín ngưỡng của cư dân sông nước.

Ngoài các lễ hội truyền thống, có nguồn gốc từ lâu đời, hiện nay, có nhiều lễ hội văn hóa đương đại, lễ hội du lịch được tổ chức ở nhiều địa phương trong vùng nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân và thu hút du khách, phục vụ phát triển du lịch ở các địa phương trong vùng. Tiêu biểu là các lễ hội, sự kiện văn hóa sau:

- Festival Huế (Thừa Thiên Huế): Đây là một trong những lễ hội văn hóa lớn nhất vùng và cả nước. Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần, vào mùa hè của các năm chẵn10, nhằm mục đích tôn vinh các di dản và các giá trị văn hóa Huế. Festival Huế có nhiều chương trình lễ hội cộng đồng được tái dựng với một không gian rộng lớn cả trong và ngoài thành phố như: Đêm Hoàng cung, Lễ tế Nam Giao, Lễ tế Xã Tắc, Lễ Truyền lô và vinh quy bái tổ, Lễ lên ngôi của hoàng đế Quang Trung, Hội thi Tiến sĩ võ... Ngoài ra, trong festival Huế còn có các lễ hội và sinh hoạt văn hóa đương đại như: lễ hội áo dài, lễ hội biển, thi thả diều, trò chơi thả thơ, diễn thơ, chợ quê ngày hội, trò chơi cờ người, đua trải... đã góp phần làm sống lại các giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất cố đô.
- Festival nghề truyền thống Huế (Thừa Thiên Huế): được tổ chức 2 năm một lần vào các năm lẻ; bắt đầu từ năm 2005 với các nghề: thêu, nón lá; năm 2007 với nghề chạm khắc, đúc đồng, kim hoàn; năm 2009 với các nghề gốm sứ, pháp lam, sơn mài; năm 2011 với chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế”, tôn vinh hai nghề ẩm thực và cây kiểng… Cùng với festival Huế, thành công của các festival nghề truyền thống Huế đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế, khẳng định vị thế Huế là thành phố festival.

- Lễ hội Quán Thế Âm (Đà Nẵng): Tổ chức hàng năm vào ngày 19 tháng 2 âm lịch tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với phần lễ mang đậm màu sắc, lễ nghi Phật giáo và phần hội vô cùng sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa – thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như: hội hóa trang, hát dân ca, thi cờ, nhạc, họa, điêu khắc, múa tứ linh, thả đèn trên sông, hát tuồng... các hoạt động văn hóa như triển lãm thư pháp và tranh thủy mặc, hội thi thuyết minh về danh thắng Ngũ Hành Sơn, hội thi nấu ăn chay... thu hút hàng nghìn tăng ni, Phật tử và nhân dân, du khách cùng tham gia.

- Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng: Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hàng năm ở Đà Nẵng đã nhanh chóng trở thành một “thương hiệu” du lịch đắt giá của thành phố Đà Nẵng nói riêng và vùng duyên hải miền Trung nói chung; bởi mỗi kỳ thi thu hút tới hàng trăm nghìn du khách trong và ngoài nước với doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng.
- Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản: Đây là sự kiện văn hóa được tổ chức định kỳ hai năm một lần (các năm lẻ) vào tháng 6 dương lịch; điểm nhấn của lễ hội này là làm nổi bật giá trị từ quá khứ đến hiện tại của hai di sản Mỹ Sơn, Hội An, để mọi người cảm nhận rõ hơn sức sống của di sản.
- Lễ Khao lề lính thế Hoàng Sa (Quảng Ngãi): Đây là lễ hội được nhân dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi duy trì hàng trăm năm nay nhằm ghi nhận và tưởng nhớ công ơn những “hùng binh” Hoàng Sa thời xưa, là những người theo lệnh các nhà nước phong kiến, đã đi ra các vùng biển đảo xa xôi như Hoàng Sa, Bắc Hải (Trường Sa) để tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận, xác lập chủ quyền quốc gia, mà không trở về. Lễ hội được tổ chức tại Âm Linh Tự (một di tích được xếp hạng quốc gia) vào các ngày 18, 19, 20 tháng 4 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động phong phú, trong đó đặc biệt nhất là nghi thức thả thuyền giấy ra biển, ngụ ý con dân đất Việt sẽ mãi duy trì việc ra biển như cha ông thuở trước... Vào những ngày diễn ra lễ hội, người địa phương còn tổ chức đắp sửa và dọn các ngôi mộ của các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa (dân nơi đây gọi là Mộ gió). Lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa cộng đồng cư dân ven biển Việt Nam, du lịch mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống gìn giữ và bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của đất nước.

- Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn (Bình Định): Tổ chức vào ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm để kỷ niệm trận thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ. Đây là lễ hội lớn nhất nước để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đánh thắng quân xâm lược Mãn Thanh. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng... diễn lại trận đánh lịch sử với những y phục, voi trận như ngày xưa vua Quang Trung ra trận.

- Festival biển Nha Trang, Khánh Hòa: Được tổ chức 2 năm một lần vào các năm lẻ, festival biển Nha Trang được các hãng lữ hành lớn đánh giá là tâm điểm của các tour du lịch mùa hè ở trong vùng. Với gần 60 hoạt động lễ hội truyền thống và hiện đại gắn liền với chương trình hội thảo, hội nghị, hội thi sáng tác văn học nghệ thuật, ẩm thực, biểu diễn ca – múa nhạc thời trang… giúp mọi người khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng biển Nha Trang yên lành, thơ mộng. Trong thời gian tổ chức festival biển còn có nhiều hoạt động thu hút cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường biển Nha Trang.

Làng nghề và nghề truyền thống

Cùng với quá trình Nam tiến của dân tộc Việt Nam, trải qua các triều đại Trần, Lê, Hồ, Nguyễn… là những cuộc di dân đi khai khẩn. Trong đoàn người đi tiếp nhận vùng đất mới, có không ít những người thợ lành nghề, những dòng họ thủ công mỹ nghệ nổi tiếng. Những người thợ di dân ngoài việc thừa kế những gì vốn có ở cố hương, họ còn tiếp thu, chọn lọc, điều chỉnh để tiếp tục sản xuất, đồng thời hình thành một số làng nghề thủ công khác đáp ứng nhu cầu cuộc sống mới.

Do diện tích đất đai canh tác nông nghiệp hạn hẹp, nguồn nguyên liệu dồi dào nên từ xưa, vùng duyên hải miền Trung đã phát triển các làng nghề và nghề thủ công truyền thống như nghề đúc đồng Phường Đúc, làng gốm Phước Tích, làng nón Triều Sơn, làng hoa giấy Thanh Tiên, làng rèn Hiền Lương, làng đan lát Bao La... (Thừa Thiên Huế); làng làm nước mắm Nam Ô, nghề điêu khắc đá ở Non Nước, làng dệt chiếu Cẩm Nê... (Đà Nẵng); làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng đúc đồng Phước Kiều, làng dệt Mã Châu, làng dâu tằm Đông Yên - Thi Lai, làng dệt chiếu cói Bàn Thạch, làng rau Trà Quế, làng trống Lam Yên... (Quảng Nam); làng nghề trồng dâu nuôi tằm An Phú, làng nghề đúc đồng Đức Hiệp, làng gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi); nghề làm nước mắm Gành Đỏ, nghề đóng ghe thuyền Đông Tác, làng bánh tráng Hòa Đa, làng gốm Quảng Đức, nghề làm mía đường La Hai, nghề dệt chiếu Cù Du, nghề dệt lụa Ngân Sơn… (Phú Yên); nghề đúc đồng ở Phú Lộc Tây, làng dệt chiếu Mỹ Trạch, làng nem Ninh Hòa (Khánh Hòa)…

Nghề và những làng nghề truyền thống hiện có tại các tỉnh thành thuộc vùng duyên hải miền Trung đã thể hiện được tâm hồn, vẻ đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi các sản phẩm do họ làm ra đều mang tính thẩm mỹ cao, phản ánh tư duy sáng tạo của con người. Thông qua các sản phẩm của các nghề và làng nghề, phần nào đã cho thấy tính tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo của người dân sống trên vùng đất “khô cằn sỏi đá” này.

Ẩm thực
Văn hóa ẩm thực là một phần văn hóa nằm trong tổng thể, phức thể các đặc trưng diện mạo về vật chất, tinh thần, tri thức, tình cảm… khắc họa một số nét cơ bản, đặc sắc của một cộng đồng, gia đình, làng xóm, vùng miền, quốc gia… Nó chi phối một phần không nhỏ trong cách ứng xử và giao tiếp của một cộng đồng, tạo nên đặc thù của cộng đồng ấy. Do đó, ẩm thực của cư dân miền Trung rất phong phú. Mỗi địa phương đều có những đặc sản riêng, mang đậm bản sắc và phong vị của từng nơi. 

- Huế nổi tiếng với các món bún bò giò heo, cơm hến, bánh canh cá lóc Thủy Dương, bánh canh Nam Phổ, cháo lòng Nam Giao, cháo le le, cháo cá Thuận An, cháo cá trê đậu xanh, cháo bò, cháo gạo de An Cựu ăn với cá bống thệ kho rim, cơm gà Bến Ngự, cơm Âm Phủ, cơm trái dừa, nem lụi, thịt bò kho quế, thịt bò thưng, thịt bò nướng chanh, thịt bò nướng lá lốt, thịt heo - tôm chua, thịt kho tàu, gỏi cá sanh cầm, bún giấm nuốc, vả trộn, bắp chuối trộn, canh cá kình nấu với măng chua, canh cá bống thệ nấu thơm cà, canh rau tập tàng, canh măng giang nấu cá ngạnh nguồn… Đồng thời đây cũng là xứ sở của các loại bánh và cũng là “vương quốc của các loại chè”.

- Đà Nẵng nằm ở trung độ của đất nước, cũng là nơi hội tụ các đặc sản ẩm thực của nhiều địa phương. Ngoài mì Quảng thì các món như thịt heo cuốn bánh tráng, bún mắm thịt quay và bún chả cá là những đặc sản ẩm thực dân dã… hay những sản vật của biển Đà Nẵng đã làm nên những món ngon cho vùng đất này. Đến Đà Nẵng không thể bỏ qua những món như gỏi cá, mít non kho cá chuồn, nộm sứa, nước mắm Nam Ô...

- Quảng Nam vốn nổi tiếng với nhiều món đặc sản bình dân. Món ăn no thì có: mì Quảng, nổi tiếng nhất là mì Quảng Phú Chiêm, phở sắn Quế Sơn, cao lầu Hội An, cháo lươn xanh ở Thăng Bình, hến xào xúc bánh tráng, bê thui Cầu Mống, bánh tráng đập Cẩm Nam; bánh bèo, bánh bao, bánh vạc ở phố Hội, gà luộc Đèo Le, cơm gà Tam Kỳ, yến sào Hội An, cá còm sông Thu rút xương rán vàng, hay nấu với me đất…

- Quảng Ngãi cũng là nơi có nhiều món ăn đặc sản. Nổi tiếng nhất là món don nấu canh, nấu cháo, hay xào với miến, bún, mì và cá bống sông Trà. Ngoài đặc sản cá bống sông Trà còn có loài cá thài bai, thường được chế biến theo ba kiểu: hấp, chiên và ram, cũng là đặc sản ẩm thực của Quảng Ngãi. Vùng rừng núi phía tây thì có loài cá niêng, kẹp vào gắp tre tươi, nướng trên than hồng nhắm với rượu. Vùng đồng bằng có món bánh xèo, chim mía chiên dòn hay món bắp nếp nướng lừng danh, canh gà lá giang ở Sa Huỳnh…

- Bình Định cũng là quê hương của cá, tôm, cua, ghẹ, ốc, hàu... Vì thế mà vùng đất này nổi danh với món cá nướng và gỏi cá, chế biến từ những con cá mú, cá hồng to tướng và tươi rói. Dân vùng biển khoái ăn cơm với cá ngừ kho ngọt hay chả cá thu hấp (chả cá Đề Gi). Ngoài ra còn có các món như bánh canh chả cá; cháo cá rựa; cháo hàu; cháo cua huỳnh đế; bún tôm Mỹ Lợi; cá mú hấp, da cá mú bông rang vàng, cá chua nướng lá chuối chấm muối ớt tươi hay nem nướng Chợ Huyện… Hè về, người Bình Định ăn sứa xúc bánh tráng hay sứa nước lèo; đông sang có bánh xèo Quy Nhơn; Tết đến thì không thể vắng món thịt bò thưng. Bình Định cũng là quê hương của bánh hỏi...

- Phú Yên có nhiều loại hải sản có giá trị như: sò huyết đầm Ô Loan; tôm hùm Sông Cầu; ghẹ đầm Cù Mông; cá ngừ đại dương... Qua bàn tay chế biến khéo léo của người Phú Yên, những hải sản ấy đã trở thành những đặc sản danh tiếng, mang lại dư vị khó quên cho những ai từng có dịp thưởng thức. Ngoài ra, Phú Yên còn có các món gỏi sứa; các loại tôm rằn, tôm hùm, tôm sú, tôm đất hấp nước dừa. Người dân sống trong vùng động cát ven biển thì có món chả dông. Dân vùng chân núi Chóp Chài thì có món bông giờ xào thịt và đặc biệt là món bông giờ kho cá đồng ăn trong mùa mưa lũ…   

- Khánh Hòa cũng là nơi có nhiều đặc sản ẩm thực gắn liền với biển như yến sào, hải sâm, cá mú Côn Sơn hấp gừng, tôm hùm sốt sò điệp, cháo tôm hùm, cháo hải sản, bún cá Ninh Hòa, bún mực Vạn Ninh, bún lá cá dầm, bún ốc, bún riêu, bún sứa, bún bò ăn với rau ghém, bánh canh chả cá, bánh căn có nhưn, nem Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, sò huyết và sá sùng Thủy Triều, gà “chỉ” Cam Ranh, chả cá thu, chả cá rựa, chả cá nhồng; món gỏi thì có: gỏi cá, gỏi sứa, đến gỏi ốc, gỏi mực… món nào cũng thơm ngon. Biển Nha Trang là nơi có nhiều loại ốc như: ốc nhảy, ốc hương, ốc len, ốc giác, ốc đắng, ốc đỏ, ốc nhung, ốc mỡ, ốc ngựa, ốc gai... Loại ốc nào cũng là nguyên liệu cho các món hải sản cao cấp.

Báu vật nhân văn sống

Báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures) là cái tên mà UNESCO dùng để gọi những nghệ nhân dân gian, những người nắm giữ và phổ biến ở trình độ cao những giá trị, kỹ năng, bí quyết văn hóa văn nghệ dân gian. Hiện nay ở vùng duyên hải miền Trung, “báu vật nhân văn sống” còn lại không nhiều, phần lớn do họ lớn tuổi, ít được sự quan tâm của các cấp các ngành liên quan nên lần lượt qua đời. Thời gian gần đây, để giữ gìn những di sản văn hóa của dân tộc nên “báu vật nhân văn sống” mới được quan tâm nhiều hơn. Những người còn sống hiện nay cũng không nhiều, tuổi lại cao, sức yếu, trí nhớ không còn minh mẫn nên việc trao truyền lại những kỹ năng, kỹ thuật, kiến thức… gặp nhiều khó khăn.

Ở Thừa Thiên Huế hiện còn khoảng 20 nghệ nhân, nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật nhã nhạc, tuồng và múa cung đình. Người có công lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ Nhã nhạc cung đình Huế lâu nay là nghệ nhân Trần Kích, nay đã hơn 90 tuổi. Ông là một trong số ít các nghệ nhân còn lại trên đất Huế đã góp phần cùng với Học viện âm nhạc Huế đào tạo được 2 khóa Nhã nhạc Huế hệ đại học với sự trợ giúp về kinh phí từ phía Nhật Bản. Hiện ông đã nghiên cứu, ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc để truyền nghề cho học trò. Ông nêu tấm gương sáng, mẫu mực về tinh thần lao động hết mình để giữ gìn cho Huế những bài nhạc lưu truyền trong dân gian, không bị thất truyền. Kế đến là 2 nghệ nhân cuối cùng trong đội nhạc triều Nguyễn, đồng thời là 2 anh em ruột, cũng đã ngoài hoặc suýt soát tuổi 90. Đó là cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử. Cũng như nghệ nhân Trần Kích, họ đều là những “báu vật nhân văn sống” của Nhã nhạc Huế. Các cụ đều là những tay chơi nhạc cự phách của đội nhạc Hòa Thanh trong cung đình (còn gọi là Tiểu nhạc).
Còn ở Đà Nẵng có Nghệ nhân Nguyễn Châu (còn gọi là Tư Châu), sinh năm 1907 ở làng Nghi An, huyện Hòa Vang. Cụ đã có hơn 90 năm gắn bó với âm nhạc truyền thống dân tộc và được mệnh danh là “báu vật nhân văn sống” giữa đời thường. Với 90 năm cống hiến cho cổ nhạc, có thể nói, nghệ nhân Nguyễn Châu là một đại thụ, là viên ngọc sáng của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam, đến nay cụ vẫn ngày đêm truyền dạy lại nghề cho con cháu, như đó chính là ước nguyện của cuộc đời người nghệ sĩ.


Đặc biệt ở vùng núi Quảng Nam có nghệ nhân Bhling Agrun, năm nay ông đã 52 tuổi, là báu vật sống của người Katu ở Quảng Nam. Đã 20 năm sống với hội diễn, với sân khấu rực rỡ ánh đèn, ông biết sử dụng 13 loại nhạc cụ độc đáo của người Katu mà hiện nay có nguy cơ bị thất truyền.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Món ngon Đà Nẵng

Những món ngon đặc sản ở Đà Nẵng

Là tâm điểm của ba di sản thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, Đà Nẵng trở thành nơi du lịch rất lí tưởng. Dạo quanh một vòng thành phố, tận hưởng không khí của mảnh đất miền Trung sẽ thấy sự khác biệt của một thành phố du lịch thân thiện với môi trường và mọi người. Chương trình “5 không”: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của khiến cho bạn và gia đình sẽ khá yên tâm và thoải mái cảm nhận vẻ đẹp phong cảnh, sự thân thiện, hòa đồng của con người và nhất là những món “đặc sản” nơi đây. Bạn cứ yên tâm là đồ ăn ở thành phố du lịch Đà Nẵng đúng theo tiêu chí ngon - bổ - rẻ -nhiều, nhất định không sợ “lỗ”.
1. Mì Quảng
Khỏi phải nói thì ai cũng biết mì Quảng là món nổi danh của Đà Thành. Những cọng mì dày, cứng và to thô là nét đặc trưng tạo nên linh hồn của tô mì. Mì Quảng không có công thức “bất di bất dịch” mà rất đa dạng: mì Quảng sườn non, mì Quảng cá lóc, mì Quảng lươn, mì Quảng chả cua… nhưng “truyền thống” nhất là mì Quảng tôm, gà, trứng, thịt. Đặc biệt, thành phần không thể thiếu của mì Quảng là đậu phộng rang và bánh tráng mè nướng giòn. Mì Quảng ăn khô.
Thực khách trộn đều tất cả nguyên liệu vào một tô, bên cạnh là tô nước lèo được ninh từ xương heo ngon cùng phần tôm giã lấy nước, thêm hạt điều tạo nên chất nước sánh và lên màu đẹp mắt. Mì Quảng ăn kèm với rau sống như cải, xà lách tươi, húng quế, giá đỗ, rau răm, ngò rí, bắp chuối sắt mỏng… tất cả trộn lẫn tạo nên mùi vị đậm đà khó quên.
Mì Quảng bán buổi sáng tới tầm 9h – 10h ở đường Hoàng Diệu, Phan Thanh, Trưng Nữ Vương, Hoàng Hoa Thám; một số nơi bán cả ngày như trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Công Trứ. Giá cả dao động tùy nơi, tùy tô lớn nhỏ khoảng 13.000 – 25.000 đồng/tô, bánh tráng bán kèm 3.000 đồng/cái.
2. Gỏi cá Nam Ô
Ăn rồi là dễ nghiện, nhưng ít người dám thử món này bởi nó làm từ cá sống. Gỏi cá Nam Ô có thể được chế biến từ cá mòi, cá tớp, cá cơm... nhưng ngon và thích hợp nhất là cá trích. Cá trích cỡ lớn hơn ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ, ép nước để ráo rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính.
Nước cốt cá được đun sôi, hòa thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt tạo thành thứ nước chấm đặc trưng cho riêng món gỏi. Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và đặc biệt, là đọt non của các loại cóc rừng, tim lan, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng… vốn chỉ mọc trên trên đèo Hải Vân. Tuy nhiên, giờ đây, các món rau khác như dưa chuột, xoài, chuối… được dùng nhiều để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thực khách.
Có hai cách ăn gỏi cá: cá với rau các loại cuốn bánh tráng hoặc chỉ việc trộn cá với rau và nước chấm, cứ thế ăn. Cho rau lên bánh tráng, gắp thêm vài miếng cá lấm tấm thính riềng vàng ruộm, cuộn lại, chấm vào bát nước chấm và “cắn”. Thịt cá ngọt mát, nước chấm đậm bùi, vị riềng, ớt cay thơm, quyện với các loại lá mang hương rừng khiến người lâng lâng khó tả khi cái ngon thấm vào từng tế bào lưỡi.
Gỏi cá Nam Ô thì phải tới khu vực Nam Ô để thưởng thức mới đúng điệu. Hoặc nếu không, bạn có thể qua Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam Ô và gọi một phần với giá từ 40.000 đồng.
3.Bún chả cá
Thực ra, cứ đến miền Trung là đâu đâu cũng dễ tìm ra quán bán bún chả cá. Nhưng bún chả cá ở Đà Nẵng mới thật đặc biệt. Bún chả cá ngon, khi ăn không có mùi tanh, chỉ nghe hương thơm ngào ngạt của tô bún kết hợp với vị ngọt thanh của rau củ quả và vị đậm đà của nước lèo khiến bất cứ thực khách nào cũng phải xuýt xoa…
Bún chả cá còn được ăn kèm với rau sống, như xà lách, húng, quế, giá đỗ sống. Đặc biệt, không thể thiếu đối với món bún chả cá là ớt tỏi giã và hành ngâm giấm đường. Vị chua chua ngọt ngọt của hành hương cộng với vị cay của ớt tỏi khiến người ăn có những trải nghiệm thú vị không thể nào quên.
4. Bánh tráng thịt heo
Không đòi hỏi chế biến cầu kì, mà đơn giản và rất dễ ăn. Thịt heo cuốn bánh tráng ở Đà Nẵng nổi tiếng vì nguyên liệu được chọn kỹ càng, khiến hương vị hoàn hảo. Thịt heo chỉ lấy phần mông hoặc vai, sau đó đem hấp hơi để giữ nguyên vị ngọt. Rau đều thuộc loại thông dụng, rất dễ tìm nhưng phải đảm bảo tươi xanh, không héo úa gồm xà lách, húng quế, diếp cá, hành lá, rau thơm, rau đắng, giá, búp chuối trắng, dưa leo, chuối chát…
Tuyệt chiêu của món này phải kể đến mắm nêm, loại nước chấm không thể thay thế. Đây là điều làm ai ai cũng phải nhớ mãi khi thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt heo. Qủa vậy, khó thể nào từ chối cái dai dai của bánh tráng kết hợp với vị mềm mại của mì ướt, thêm chút ngọt sắc của thịt, vị tươi mát của rau và cay nồng nàn của mắm nêm.
Để tròn vị, bạn nên chọn quán trên đường Châu Thị Vĩnh Tế hoặc Hải Phòng, Duy Tân, Lê Duẩn, Đỗ Thúc Thịnh… tùy nhà hàng sang trọng hay bình dân với giá khoảng từ 30.000 - 80.000 đồng.
5. Bánh xèo
Bánh xèo Đà Nẵng không nhỏ quá và cũng không lớn quá, chỉ riêng một kích cỡ vừa ăn. Bánh xèo ở Đà Nẵng được làm tự bột gạo xay có thêm lòng đỏ trứng và bột nghệ, đúc trên chảo nóng. Nhân bánh cũng được lựa kỹ, chỉ làm từ tôm còn sống, thịt ba chỉ nửa nạc nửa mỡ và giá đỗ tươi. Rau sống sạch sẽ,  gồm xà lách, húng quế, chuối chát, rau cải con… Nước tương pha chế từ gan heo và đậu phụng xay tạo thành một loại nước chấm có hương vị bùi bùi, béo béo, bên cạnh một chén nước mắm ớt tỏi pha theo kiểu truyền thống.
Bánh xèo ăn nóng, quấn trong bánh tráng mỏng hoặc lá cải to. Từng miếng bánh khi vào trong miệng còn thấy được độ giòn vừa, thêm mùi béo ngậy, vị ngọt của tôm và thịt với man mát các loại rau hòa chút chát chát của chuối xanh. Ăn một lần rồi nhớ mãi. Giá bành xèo cũng “mềm”, chỉ từ 5.000 đồng/cái trên đường Hoàng Diệu, Hải Phòng…
6. Bánh bèo
Thứ bánh dân dã, mộc mạc từ nguyên liệu đến hương vị lại có sức quyến rũ lớn đối với cả dân bản địa và du khách tới Đà Nẵng. Chỉ một tên nhưng bánh bèo có rất nhiều loại, được phân biệt bởi hình dáng và cách ăn. Bánh bèo tai được sắp sẵn lên đĩa, bánh bèo chén được đúc sẵn trong chén tròn nhỏ. Và tất cả đều có nhân bánh hấp dẫn bên trên.
Nhân bánh  làm từ tôm, cá bào ướp gia vị và sấy khô trên than hồng để loại mùi tanh. Hoặc cũng có nhân làm từ thịt nạc, nấm mèo…tạo nên một loại hỗn hợp đặc quánh có màu cam tươi rất đẹp mắt. Bánh bèo còn được ăn kèm với nem chua, chả bò cây. Tuy nhiên, món bánh bèo ngon hay không được quyết định bởi nước mắm ăn kèm. Chỉ là mắm ớt tỏi bằm nhuyễn được pha loãng với nước sôi nguội thêm ít chanh và đường nhưng lại khéo hợp với thứ bánh trắng mềm ấy.
Đến Đà Nẵng, ngồi quanh gánh bánh, vừa ăn vừa húp thứ nước mắm có vị ngọt thanh và thơm hương chanh mới thật thú! Bạn có thể tìm thấy các quán bánh bèo, bánh ướt bánh lọc ở bất kỳ con phố, ngõ hẻm nào trong thành phố và nhà hàng, khách sạn. Không kể đến những gành hàng rong thì khu bánh bèo ở chợ Cồn (cổng đường Hùng Vương), Hoàng Diệu, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm (bán từ trưa, chỉ từ tháng 9 – tháng 2 hàng năm)… là chỗ nên thử. Mỗi chén bánh bèo chỉ khoảng 1.500 đồng.
7. Bê thui Cầu Mống
“Bê thui Cầu Mống” còn được người dân Đà Nẵng gọi với cái tên quen thuộc “bò tái Cầu Mống”. Món này nổi danh ngang hàng với mì Quảng.
Nghệ thuật thui bê gần như là một bí truyền và hiện không còn nhiều người làm được, vì yêu cầu đặc biệt của nó. Miếng thịt bê khi đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn bì (da) thì phải chín đến độ trong suốt, đồng thời lại giòn mềm vừa phải. Khi dọn ra, được pha thái khéo léo, từng miếng thái có cả phần thịt lẫn da.
Mắm phải là loại mắm cá cơm nguyên con, đem về được gạn lấy nước, thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng và mè rang thơm vàng rất hấp dẫn. Rau ăn kèm với bê thui rất phong phú, bao gồm loại rau Trà Quế, tía tô, xà lách, cải non, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm , húng, quế và giá đỗ…
Trải miếng bánh tráng, đặt lên vài lát thịt bê thui, cuốn chung với rau sống, chấm nước mắm, nhai thật kĩ mới cảm nhận hết vị ngon ngọt của thịt bê cộng với vị mặn đậm đà thơm ngon của mắm quả khiến người ta dễ “quên sầu”. Bê thui Cầu Mống ngon nhất là ở Cầu Mống, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 15km.
8. Chè xoa xoa hạt lựu
Xoa xoa nấu từ rau câu, hạt lựu làm từ bột lọc loại ngon, thạch đen được chế từ một loại lá cây mát trên rừng, đặc biệt nước cốt dừa được ép từ dừa nguyên chất…tất cả hợp lại làm nên thức uống ngon, mát lành. 
Khi ăn, độ giòn giòn của thạch, nước dừa và đậu xanh đánh béo ngậy cộng thêm cái dai dai của hạt lựu làm cho người ăn quên hết mệt mỏi. Trong những ngày nắng, xoa xoa hat lựu thật là thứ giải khát tuyệt vời.
Có nhiều quán xoa xoa hạt lựu nhưng ngon nhất vẫn là ở chợ Cồn, hay một số quán trên đường Trần Bình Trọng (ngay ngã ba Trần Bình Trọng và Ngô Gia Tự), Phan Thanh… với giá chỉ từ 5.000 đồng/ly. 
9. Ốc hút
Đến Đà Nẵng bất cứ mùa nào trong năm, bạn đều có cơ hội được thưởng thức món ăn đặc biệt này.
Ốc hút, là tên gọi dân dã người dân Đà Nẵng gọi riêng món ốc xào sả ớt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng... đem về ngâm, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị, công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà. Đến Đà Thành, chiều chiều lê la bên quán vỉa hè cùng người thân, bạn bè, hút ốc bằng tay, vừa ăn vừa hít hà vì cay, gọi thêm bánh tráng rồi chấm chấm nước ốc mặn mặn cay cay thì thật thích.
10. Mít trộn
Mít trộn, chỉ đơn giản là mít non luộc chín vừa tới, xé tơi để trộn gỏi thịt ba rọi hoặc tôm thẻ hay da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Nhưng lại khiến người ta ngây ngất trong mùi thơm quyến rũ và màu sắc bắt mắt.
Ăn mít trộn cùng bánh tráng mè là “đúng sách”. Bẻ một miếng bánh tráng, xúc một miếng mít trộn, cái giòn rụm của bánh tráng, vị bùi và ngọt của mít non, chút giòn sựt sựt của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm... tất cả tạo nên vị ngon khó cưỡng.
Các quán thường bán chung 2 loại đồ ăn này vào buổi chiều đến tối, ngon nhất là trên đường Ông Ích Đường (đối diện dệt may Hòa Thọ), Phạm Văn Nghị… Giá rất bình dân, chỉ khoảng 25.000 đồng/đĩa ốc, 10.000 đồng/ đĩa mít.
Đà Nẵng ngoài là chốn ẩm thực ngon – bổ - rẻ còn có nhiều chỗ chơi: sông Hàn thơ mộng, Bà Nà Hill, Bán Đảo Sơn Trà, ngũ hành sơn, đèo Hải Vân, bãi biển Mỹ Khê, Bải Bụt, Gềnh Bàng… Đà Thành vừa thích hợp cho du khách thích nghỉ biển, tắm nắng, lại vừa thỏa mãn những người đam mê núi cao. Đó là một điểm đến nhiều lợi ích và khá thú vị cho hè này
11. Bánh tráng đập
Bánh đập mắm nêm thương hiệu bà Tứ tồn tại được 20 năm. Một lớp bánh tráng giòn rụm vừa được nướng trên lửa than kết hợp với một lớp bánh ướt mỏng, mềm mịn đặt lên trên, sau đó khẽ đập vỡ bánh để gập đôi lại. Bạn sẽ có một chiêc bánh hìn bán nguyệt với hai lớp vỏ giòn bọc một lá bánh dẻ ở giữa . Bánh có giá từ 3.000 đồng - 5.000 đồng/ cái.
12. Bún chả cá gia truyền
109 Nguyễn Chí Thanh - quận Hải Châu. Giá 20.000/tô bình thường và 25.000/tô đặc biệt
13. Bánh nậm lọc 
100 Hoàng Văn Thụ
14. Quán nem lụi, bún thịt nướng.. 
Quán Xuân: Địa chỉ 491 Hải Phòng, giá từ 15.000 - 20.000/ tô, bán cả ngày
15. Bún riêu
Quán 39 Lê Hồng Phong, quán số 2 Yên Bái
16. Bún bò Huế bà Thương
Đã có 20 năm nằm trên đường Trần Quốc Toản 

Những kinh nghiệm khi đi Du lịch Đà Nẵng

Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng

Đà Nẵng từ lâu đã được biết đến là một trong những thành phố sạch và đẹp nhất tại Việt Nam, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Là thành phố có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Ngũ Hành Sơn, Đảo Cù lao Chàm, sông Hàn…và nhiều khu vui chơi giải trí. Đặc biệt, Đà Nẵng có nhiều cây cầu đi vào huyền thoại với kiến trúc độc đáo như Cầu Rồng, Cầu Sông Hàn…Ngoài ra, Đà Nẵng có dịch vụ an ninh rất tốt, bạn hoàn toàn yên tâm khi du lịch tại đây. Không những vậy Đà Nẵng còn được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều về phong cảnh cũng như điều kiện khí hậu. Nếu như bạn đang có kế hoạch cho chuyến đi thì những kinh nghiệm được chia sẻ dưới đây sẽ phần nào giải đáp những câu hỏi của các bạn về địa danh này.

Đừng quên ăn những món ăn ngon : mình xin giới thiệu cho các bạn những món ăn ngon, đặc sản tại Đà Nẵng
- Bún chả cá: ngon và có tiếng nhất thì phải kể đển bún cá trên đường Nguyễn Chí Thanh.
- Mì quảng: Ngon và nổi tiếng nằm trên đường Đống Đa
- Bún mắm: Ngon và nổi tiếng nhất là ở đường Trần Kế Xương
- Tré bà Đệ : 81 Hải Phòng (bạn có thể mua về làm quà)
- Bánh khô mè bà Liễu, bánh vừng giòn thơm. Góc Hùng Vương, Ngô Gia Tự, Cẩm Lệ – Ông Ích khiêm, bánh nổ, bánh lăn

Thăm quan Đà Nẵng: các bạn tham khảo top những điểm nổi tiếng ở Đà Nẵng
Ngoài ra, các bạn có thể đặt tour du lịch Đà Nẵng với mức giá rẻ ở website: http://www.abele.vn/ hoặc thienbachduong.com
phương tiện khi đi du lịch Đà Nẵng: tới Đà Nẵng bạn có thể lựa chọn rất nhiều phương tiện khác nhau, tất cả đều khá thuận lợi cho bạn lựa chọn để phù hợp với thời gian và khả năng tài chính của bạn.

Đi lại ở Đà Nẵng:
Xe máy: tiện lợi và dễ dàng khám phá các điểm tham quan của du lịch Đà Nẵng. Có thể thuê xe tại khách sạn hay các điểm thuê xe máy, giá từ 60.000đ – 150.000đ/xe/ngày