Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Bí mật về những cây cầu ở Đà Nẵng


Người có cách nhìn phong thủy nói rằng, Đà Nẵng có 4 chùa lớn ở bốn hướng, gọi là Linh Ứng tứ trấn; nay lại có 9 cầu (cửu long) bắc qua sông. Xây được 4 chùa, 9 cầu là “công đức vô lượng”, là duy trì được sự an lành.

Sáng 29.3 khánh thành cầu Rồng thì đêm hôm đó, hàng vạn người đổ xô sang bờ đông sông Hàn để xem rồng phun lửa. Cầu kẹt cứng, đến mức thấy không bảo đảm an toàn nên người ta đã không cho rồng... phun nữa. Thế mới biết, cái lạ, sự độc đáo bao giờ cũng tạo nên một sức hút lạ thường.

Với người có cái nhìn “vĩ mô” thì những chiếc cầu bắc ngang sông tạo nên sự phát triển về kinh tế - xã hội; người không lãng mạn, không “vĩ mô” chỉ nghĩ, làm nhiều cầu thì giải quyết được vấn đề làm đau đầu không ít người ở các thành phố lớn: kẹt xe…

Chưa đầy 11 km dọc sông Hàn có đến 9 chiếc cầu, từ cửa biển ngược lên thượng nguồn lần lượt có cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Cẩm Lệ. Trong số đó có những chiếc cầu rất độc đáo, chỉ có ở Đà Nẵng.


Đến bây giờ, du khách đến thành phố này vẫn rất háo hức thức đến nửa đêm để tận mắt chiêm ngưỡng cầu quay Sông Hàn. Đây là chiếc cầu độc nhất ở nước ta có thể quay được nhịp giữa với một góc 90 độ. Điểm độc đáo hơn nữa, đây là chiếc cầu đầu tiên được xây dựng bằng kinh phí của người dân Đà Nẵng đóng góp. Hồi đầu có người gọi cầu này là cầu chị Quyên (tức là cái cầu do quyên góp mà có, để đối lại với cầu Nguyễn Văn Trỗi). Có lẽ vì thế, cầu quay Sông Hàn được chọn làm biểu tượng của Đà Nẵng cùng với Ngũ Hành Sơn.

Sau cầu Sông Hàn là cầu Thuận Phước nối đường Nguyễn Tất Thành, một con đường từng được mệnh danh là “đẹp nhất Việt Nam”, sang bán đảo Sơn Trà. Chiếc cầu dài 1.855 m này hội tụ rất nhiều kỷ lục về công nghệ xây cầu và đến nay vẫn là chiếc cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam. Đêm về, khi điện bật lên, ánh sáng làm cho chiếc cầu trở nên lung linh, huyền ảo.




Hai chiếc cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý cạnh nhau đã trở nên quá đỗi thân quen với người Đà Nẵng. Nhưng dù nhiều lần tu sửa cả hai chiếc cầu vẫn không thể trụ nổi với thời gian. Vì thế, một cây cầu đầu tiên của Việt Nam có sàn vọng cảnh đã thay thế cho một trong hai chiếc cầu này, chính xác là thay thế cầu Trần Thị Lý cũ. Đây là cầu dây văng một mặt phẳng, với kết cấu dây và tháp nghiêng độc đáo. Giữa cầu có tháp trụ cao gần 150 m so với mặt nước. Bên trong tháp trụ có hệ thống thang máy để đưa du khách lên đỉnh tháp ngắm toàn cảnh thành phố.


Cầu Rồng là cầu nằm ở trục chính của Đà Nẵng theo hướng đông - tây, tuyến đường ngắn nhất nối sân bay Đà Nẵng với các khu du lịch kế bên một trong các bờ biển đẹp nhất hành tinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, thiết kế cầu Rồng là một trong những thiết kế tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt, là một biểu tượng mới của TP.Đà Nẵng. Cầu Rồng vì thế được quan tâm hơn cả.

Rồng của cầu Rồng

Địa điểm xây dựng cầu Rồng vốn một thời là đề tài bàn tán xôn xao vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến Bảo tàng Chăm. Rốt cục thì mọi chuyện... y thế mà làm.

Từ đầu tháng 3 này, khi con rồng của cầu Rồng thành hình thành dạng, đã có rất nhiều người cho rằng, con rồng quá mảnh, trông như con... rắn. Đầu rồng lại chúi xuống, nhìn xa giống như rồng đang... trườn chứ không phải bay. Đến lúc này, mọi người mới nhớ lại, năm trước, tại một cuộc họp, xung quanh chuyện rồng đã có nhiều ý kiến khác nhau.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, người được mời tham gia ý tưởng chọn đầu rồng cho cầu và sau này là tác giả của đầu rồng hiện nay, lúc đó đã nói, điều ông băn khoăn là cầu dài nên trông con rồng mỏng manh quá. Phần đầu rồng và đuôi rồng của nhà thiết kế thấy trườn chứ không có độ vươn. Vì thế nó không giống... rồng. Lúc đó, ông đã đề nghị cho đầu rồng uốn ngược lại và vươn lên, như vậy sẽ thấy rồng mạnh mẽ hơn.
Ông Hạng còn đề nghị, để con rồng đỡ "ốm" thì nên làm thành hai con rồng. Một con đầu hướng ra biển (hướng đông), một con hướng lên núi (hướng tây), hai cái đuôi nằm giữa cầu quấn lại thành biểu tượng hoa sen. Như thế rồng vừa có đôi, vừa có một đầu hướng về hướng tây, đón khách, một đầu hướng về đông là vươn ra bốn biển năm châu.

Lúc đó, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã không tán đồng ý kiến của nhà điêu khắc, ông cho rằng hai con rồng xoay lưng lại với nhau sợ người ta cho là... mất đoàn kết. Theo ý ông thì rồng từ biển bay vào, uốn lượn, tạo mưa, vì thế đầu phải quay đầu về hướng tây, tức là phía bờ. Vả lại, nếu đầu hướng ra biển thì khi phun lửa sẽ bớt hấp dẫn du khách (khi đến Đà Nẵng, khách đi trục đường chính Nguyễn Văn Linh sau đó qua cầu mới sang khu du lịch bên biển).

Nhưng nhiều người lại có cùng quan điểm nên đặt đầu rồng ở bờ đông mang tư thế rồng vươn ra biển lớn.
Chuyện cái đầu rồng cũng là đề tài tranh cãi lúc đó. Theo ý ông Nguyễn Bá Thanh thì con rồng chỉ có trong truyền thuyết, chưa ai nhìn thấy, thế nên rồng thời Lý khác thời Trần, thời Trần khác thời Nguyễn… Ông yêu cầu nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng suy nghĩ, làm cái đầu rồng thế nào mà nhìn vào người ta biết đó là rồng Việt Nam là được.

Tám chuyện… rồng

Cuối cùng thì đầu rồng hướng ra biển. Và cũng vì nó quá dài nên trông mảnh và đúng là đầu hơi ngắn nên thấy nó không được mạnh như ông Hạng dự báo. Lúc này có người lại “hiến kế” nên sửa lại thành hai con rồng, lấy nhịp giữa cao hơn làm hai đầu rồng hướng vào nhau theo kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”. Nhưng lập tức có người phản bác lại ngay, rằng nếu thế thì làm sao rồng vào được Guinness là con rồng thép dài nhất thế giới? Người có chút vốn liếng kỹ thuật thì cho rằng không thể được vì mỗi cái đầu rồng nặng đến 40 tấn, hai cái chụm lại giữa một nhịp cầu tổng cộng là 80 tấn thì cầu sao trụ nổi?

Hôm rồng phun lửa thử, nhiều người đến xem đã nhận xét, đầu rồng này không có râu nên đứng đối diện trông nó như cái máy ngoạm đất. Nhưng tôi nhìn nghiêng thấy nó ổn, giống rồng thời Lý, có nét… Việt Nam.
Việc phun lửa cũng là đề tài tám. Ông Võ Chí Trung (khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân, TP.Đà Nẵng), đưa lên mạng ý kiến cho rằng, rồng phun lửa là rồng… sát khí, nên để rồng phun nước. Ông còn lo lửa là hỏa mà mạng các vị lãnh đạo thành phố đều mạng thủy, mạng kim nên sợ… không tốt cho sức khỏe mấy ảnh. Bây giờ thì người ta đã quyết định, ngày phun nước, đêm phun lửa.

Sáng khánh thành cầu, nhiều người xem truyền hình nhìn rồng phun lửa chê xấu vì cứ phun ra từng cục như thể rồng… ợ hơi. Thực ra thì vì truyền hình quay đối diện, lại là ban ngày, chứ ban đêm nhìn nghiêng thấy rồng phun lửa cũng… giống phun lửa lắm!

Chuyện lửa - nước đến bây giờ vẫn là đề tài bàn tán, có người cho rằng, rồng phun lửa là để “trấn yểm ngoại xâm”, phun nước là để dân được “an lành thịnh vượng”. Bình luận về chuyện này, một người tên Quốc Cường viết trên mạng: “Suy diễn là khái niệm logic quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, từ khoa học, kinh tế, chính trị, văn hóa, tâm linh. Trong khoa học tâm linh, suy diễn có hai chiều hướng: làm cho hiện tượng sự vật tốt lên, hoặc là, làm cho sự vật hiện tượng xấu đi. Người lãnh đạo giỏi là người phải biết làm tâm lý, tâm linh sao cho việc suy diễn logic làm cho sự vật hiện tượng được tốt lên. Tức là phát huy sở trường, giảm tác nhân sở đoản”.


Ông Cường nói thêm: “Đà Nẵng xây 4 chùa Linh Ứng (Linh Ứng tứ trấn), 9 cầu (cửu long). Trong tâm thức, xây 4 chùa, làm chín cầu, là công đức vô lượng, đức là cốt lõi của con người để duy trì cái thiện, cái an lành… Vì vậy, càng củng cố niềm tin trong nhân dân. Vừa hiệu quả tâm linh vừa thu hút khách du lịch”.
Tôi thì thấy, ban đêm, bằng mắt thường có thể thấy rõ ít nhất 5 cây cầu sáng rực trên một khúc sông, đẹp mê hồn. Thích nhất là cầu Trần Thị Lý, đơn giản mà hiện đại, và vì thấy đi qua cầu, con người mình có nhiều cảm xúc.

Lại nhớ câu: “Cầu nối, mạch thông, đất sẽ vượng”. Chẳng cần đến chuyên gia về tâm linh thì ai cũng nhận thấy rõ một điều: Đường thông, cầu thoáng, không kẹt xe, tiết kiệm vô khối thời gian, không vượng mới lạ! 

Nguồn : Thanhnien.vn

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Chọn bộ "sưu tập bánh canh ngon" ở Đà Nẵng

Nếu người Huế dù có đi đâu về đâu vẫn hết mực tự hào về bánh canh Nam Phổ – món ngon nổi danh thiên hạ, lưu danh từ xưa tới nay của đất Cố đô thì bánh canh Đà Nẵng lại khác một chút với vị cay và được nấu hơi ngọt hơn so với các vùng khác. Đến với thành phố biển miền Trung xinh đẹp, đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức nhiều loại bánh canh mang đặc trưng riêng với mức giá rất bình dân.
Trước tiên là bánh canh cá lóc ở quán Thanh Hương đường Lê Đình Dương. Quán nhỏ, nhưng đông, chủ quán nhào bột sẵn rồi để nguyên bột đã qua xử lý trên bàn. Khi khách vào ăn, chủ quán mới cắt một miếng bột, “dán” vào một thanh inox tròn, rồi lăn đều trên bàn cho bột mỏng ra. Sau đó, dùng dao inox cắt từng sợi cho vào nồi nước trụng đang sôi. Bánh canh trong nồi đã chín, vớt ra cho vào tô, cho thêm mấy lát phi lê cá lóc rút xương rồi cho nước dùng vào. Sau cùng là hành, ngò xắt nhỏ, rắc lên ít tiêu. Sợi bánh canh không quá dai cũng không mềm, thấm gia vị từ nước dùng, ngon đậm đà. Giá một tô thập cẩm khoảng 40 nghìn đồng nhưng rất “đáng đồng tiền bát gạo”.
Nổi tiếng không kém là bánh canh chả ở 14 Đinh Tiên Hoàng. Chả ở quán này không phải loại chả chiên như các quán bánh canh hay bún chả cá mà là chả cá mối chiên ăn dai dai ngọt ngọt. Bánh canh ăn kèm quẩy, quán hết sớm nên đôi khi thực khách tới phải quay về tìm hàng khác.
Gần đó là bánh canh bà Sen ở Nguyễn Chí Thanh được bán với giá 20 nghìn cho tô lớn, 15 nghìn đồng cho tô nhỏ. Khi khách vào sẽ được phục vụ một đĩa trứng cút, đúng kiểu Huế. Vì bánh canh làm nóng, nên bạn phải chờ khoảng 5 phút mới được thưởng thức. Nếu bạn muốn thêm các loại gia vị, có thể cho thêm nước mắm cắt ớt xanh hành chua, ớt bột, tương ớt. Ăn xong vẫn còn hít hà bởi vị ngọt của nước xương và vị thơm ngon của bánh.
Nếu muốn xem bánh được làm ngay tại quầy, bạn có thể ghé quán Lụa ở Điện Biên Phủ. Tại quầy, hai cô chủ quán luôn tay nhào bột, xắt bột. Khi khách gọi, chủ quán mới cho bánh vào luộc nên bánh canh ở đây luôn tươi. Ngoài nước dùng đậm đà, cá lóc tươi, bánh canh quán Lụa có một điểm thú vị là luôn có lọ sa tế tóp mỡ cho khách tùy ý thêm cho vừa khẩu vị.
Muốn ăn bánh canh ghẹ, hãy ghé ăn bánh canh có tên Lintee đường Điện Biên Phủ. Tùy theo nhu cầu, có thể chọn các mức giá 50, 60 hoặc 70 nghìn đồng/tô. Ghẹ ở đây được lựa chọn là những con ghẹ rất tươi ngon. Khi được nấu chín, ghẹ có màu vàng óng rất hấp dẫn, thịt ghẹ nhiều, béo và thơm; phần càng ghẹ thì khá to, thịt rất chắc. Khi ăn, bạn bỏ thêm hành phi và có thể dùng thêm quẩy tùy theo sở thích.

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

16 lý do vì sao Đà Nẵng được coi là đáng sống


Những ai đến du lịch thành phố Đà Nẵng và muốn "check-in" đều có thể dễ dàng nhìn thấy cái điểm "Đà Nẵng - Thành phố đáng sống" nằm ngay đầu danh sách. Vậy những lí do nào đã khiến Đà Nẵng "được lòng người" đến vậy?

New York Times bình chọn Đà Nẵng là 1 trong những điểm đến lý tưởng trên thế giới vào năm 2015, cũng bởi nơi này sở hữu những bờ biển cát trắng trải dài tuyệt đẹp. Nhưng thật ra, thành phố này còn "níu chân người" bởi hình ảnh hiện đại, văn minh, và luôn có cái mới, luôn chuyển mình.
Đến với thành phố Đà Nẵng, bạn có bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, có núi, có đèo, có những khu nghỉ dưỡng xa hoa nhất thế giới, nhưng bạn sẽ không có cảm giác mình đang ở một khu du lịch nổi tiếng và lúc nào cũng nơm nớp sợ bị "chặt chém" mọi lúc mọi nơi. Dễ hiểu bởi người dân nơi đây không xem Đà Nẵng là nơi để "móc túi" du khách. Đối với họ, đây đơn giản chỉ là một thành phố thân thương, là niềm tự hào của mỗi người và họ yêu nó tha thiết đến mức, họ muốn giữ gìn những hình ảnh đẹp nhất về Đà Nẵng trong lòng những ai từng đặt chân đến đây.
Hãy cùng khám phá một vòng Đà Nẵng với 16 điều tuyệt vời dưới đây, để hình dung được rằng vì sao ngày càng nhiều người yêu mến thành phố đẹp đẽ và rất đỗi thân thương này.
Một trong những điều tuyệt vời nhất ở Đà Nẵng chính là, thành phố này không chỉ dựa vào những cảnh quan thiên nhiên để "lấy lòng" du khách. Cứ sau một năm, Đà Nẵng lại xuất hiện thêm nhiều công trình mới có sức hấp dẫn mạnh mẽ tới những du khách, có những công trình lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, mang đến cho Đà Nẵng một diện mạo mới xinh đẹp và hiện đại hơn. Những dịch vụ công cộng được chăm chút tinh tế cũng gây ấn tượng về một hình ảnh Đà Nẵng văn minh, thân thiện. Những nhà vệ sinh miễn phí 5 sao, những con đường không ăn xin và sạch bóng rác, bệnh viện ung thư nhân đạo... Hay thậm chí, tới lúc chuẩn bị rời khỏi thành phố, vẫn còn cảm thấy thật thoải mái vì bảng giá đồ ăn đồ uống "dễ thở" ở sân bay. 
1. Thành phố của những công trình mới mẻ, thú vị
Đà Nẵng luôn sở hữu những thứ có thể tạo nên "một cơn sốt" nào đó. Đấy là đang nói về những công trình mới mẻ, thú vị, xuất hiện liên tục nhưng vẫn khiến người ta nhớ về. Năm nào đó là Bà Nà - khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại với khí hậu dịu mát. Rồi tới chiếc cầu Rồng hoành tráng có thể phun nước phun lửa. Rồi tới vòng quay Mặt trời Sun Wheel, hay chỉ đơn giản là nói về một khách sạn xinh xắn hiện đại A La Carte.
Mới đây, người ta thích thú trước hình ảnh tượng cá chép hóa rồng nặng gần 200 tấn vừa được lắp đặt ở bờ Đông sông Hàn, nằm ở vị trí giữa cầu Rồng và cầu Sông Hàn.
Sau khi tượng cá chép hóa rồng được khánh thành, một chiếc “cầu tàu tình yêu” cũng đã được xây dựng tại bờ sông Hàn. Cây cầu trái tim với những ổ khóa dễ thương trên thành cầu là địa điểm tham quan thú vị và lãng mạn cho những đôi uyên ương. Cầu tình yêu không quá xa lạ ở nước ngoài nhưng đây là lần đầu tiên công trình độc đáo này xuất hiện tại Việt Nam.
2. Nằm giữa trục du lịch "hot" nhất miền Trung: Huế - Đà Nẵng - Hội An
Từ Đà Nẵng, du khách chẳng mất nhiều công sức hay thời gian cũng có thể ghé thăm các địa điểm du lịch lân cận vốn cực kỳ nổi tiếng. Họ có thể chạy xe máy về Hội An, cũng có thể lên bus mất khoảng 1 tiếng đi ngắm Lăng Cô hay ra thẳng Huế thưởng thức hương vị trầm mặc của vùng đất cố đô. Từ Đà Nẵng đi thăm Mỹ Sơn cũng chẳng hề xa, và đi Bà Nà bằng xe máy cũng được. Với những du khách ưa cảm giác mạnh, chạy xe trên đèo Hải Vân ắt sẽ là một trải nghiệm ngất ngây bởi vẻ đẹp hùng vĩ, ngoạn mục của Việt Nam hiện lên trọn vẹn nhất khi bạn phóng xe trên con đèo này.
Nếu Huế hay Hội An khiến người ta nhớ vì hình ảnh của cố đô, đô thị cổ thì Đà Nẵng lại khiến người ta thiện cảm và muốn quay lại vì sự văn minh, hiện đại và "chuyển mình" rất rõ ràng sau mỗi lần ghé thăm.
Con đường tuyệt đẹp ven biển cũng khiến du khách cảm thấy cực kì phấn khích. Các khu resort san sát nhau hai bên đường tạo thành một khung cảnh vô cùng... sang chảnh và cũng chẳng kém phần nên thơ. Bạn nên thuê xe máy đi nếu muốn tận hưởng hết nắng gió biển táp vào mặt, phóng khoáng đúng như sức sống miền Trung.
3. Cầu Rồng
Trong số 30 cây cầu ấn tượng nhất trên thế giới, cầu Rồng của Đà Nẵng, Việt Nam vinh dự được xướng danh bởi vẻ đẹp hiện đại cùng khả năng phun lửa, phun nước vô cùng ấn tượng.
Được thông xe vào năm 2013, cầu Rồng là cây cầu thứ 7 bắc qua con sông Hàn nổi tiếng ở Thành phố Đà Nẵng. Với kiến trúc độc đáo và khả năng trình diễn phun lửa – nước, cầu Rồng bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng) được nhiều trang giải trí, du lịch nổi tiếng thế giới đánh giá cao mỗi khi nhắc đến.
Đây là lần đầu tiên một công trình ở Việt Nam do nhà thiết kế chiếu sáng Việt Nam thực hiện nhận được giải thưởng của IALD trong lịch sử 31 năm cho giải thưởng lâu đời nhất trong ngành, được xem tương đương như Oscar trong điện ảnh hay Pritzker trong kiến trúc. (Ảnh: Internet)
4. Bà Nà 
Nhiều người ví Bà Nà như "Đà Lạt" của miền Trung. Chỉ cách Đà Nẵng 25km, nhưng tại đây lại có thời tiết lạnh quanh năm, thậm chí vào những hôm mây nhiều thì cả Bà Nà được phủ một màu trắng xóa như sương mờ. Đến đây, việc bạn tản bộ bên cạnh những đám mây là chuyện cực kỳ bình thường.
5. Nơi không ai thích "chặt chém" khách du lịch
Điều khiến người ta yêu nhất ở miền đất nắng gió này, hẳn nhiên là con người nơi đây. Khi đặt chân đến Đà Nẵng, người dân xứ Quảng sẽ tặng bạn món quà đầu tiên là những nụ cười. Bất kể bạn đến từ đâu, làm nghề gì, họ đều ân cần và giúp đỡ tận tình khi bạn muốn hỏi đường, địa chỉ khách sạn, thậm chí một số tài xế xe ôm, xích lô sẽ "thiết kế tour" cho du khách lần đầu đặt chân đến Đà Nẵng.
Họ sẽ nhiệt tình tư vấn cho bạn hàng quán nào ăn ngon và rẻ, bạn nên tham quan điểm du lịch này bằng phương tiện gì, bạn sẽ đến điểm kia trong bao lâu... Nhìn chung, đến với Đà Nẵng, bạn chẳng bao giờ ngại phải mở miệng ra hỏi và sẽ được đáp lại bằng sự nhiệt tình hết mức có thể của người dân nơi đây. (Thậm chí bạn còn muốn nói chuyện với họ nhiều hơn nữa, vì giọng nói và cách nói chuyện của họ rất hay!).

>> Thêm : Chùm tour du lịch pháo hoa Đà Nẵng 2017
6. "Thành phố Đà Nẵng, nơi tôi sinh ra, nơi tôi sống, nơi tôi yêu"
Người Đà Nẵng là thế, họ luôn tự hào về một "thành phố của tôi", họ tự hào về tất cả mọi thứ họ có và gìn giữ cho đến bây giờ. Tình yêu và niềm tự hào đó nằm trong huyết quản từng người dân thành phố, dồn dập theo từng nhịp tim từ những người dân buôn gánh bán bưng cho đến tài xế taxi, xích lô, người bán báo, từ những người già, trẻ nhỏ đến học sinh, sinh viên... 
Khi nhắc đến Đà Nẵng, họ có thể kể luyên thuyên với bạn cả buổi về những nét văn hóa bình dị nơi đây, bằng chất giọng miền Trung trìu mến. Thậm chí, họ sẽ kể về thành phố của mình cho đến khi bạn phát bực, bởi vì bạn biết rằng rồi mình cũng sẽ phải rời cái nơi tuyệt vời này mà đi sau chuyến du lịch ngắn ngày.
Cũng vì niềm tự hào đó mà chàng trai Lê Văn Anh, sinh năm 1994, đã tự tay thực hiện một đoạn clip dài gần 8 phút với tên gọi “Time of Da Nang” nhằm ca ngợi vẻ đẹp của thành phố này. Anh đã chia sẻ rằng: “Phim ngắn về thành phố Đà Nẵng, nơi tôi sinh ra, nơi tôi sống, nơi tôi yêu. Tôi thực hiện nó trong suốt hơn 1 năm qua ở các ngóc ngách của thành phố này. Dù không thể đem hết mọi cảnh đẹp của Đà Nẵng vào nhưng tôi mong mọi người đón nhận nó như chính tình yêu tôi dành cho thành phố này và các thành phố khác sắp đến trên chuyến hành trình của tôi!”.
7. Bãi biển quyến rũ Mỹ Khê
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng những bãi tắm liên hoàn đẹp như tranh vẽ, do vậy bãi biển Mỹ Khê đã được Tạp chí kinh tế Mỹ Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Bãi biển Mỹ Khê có chiều dài khoảng 900m, nổi tiếng với bãi cát trắng mịn, sóng biển ôn hòa, làn nước trong xanh ấm áp quanh năm cùng hàng dừa thơ mộng bao quanh biển. Một bãi biển yên bình nhất, đẹp và thơ mộng chẳng thua kém gì các thiên đường như Barbados hay Hawaii.
8. Bệnh viện ung thư nhân đạo phi lợi nhuận
Rất nhiều người dân nghèo đến từ Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đã có cơ hội được khám chữa bệnh miễn phí tại một bệnh viện vô cùng hiện đại và khang trang.
Xét về bề ngoài công trình của bệnh viên Ung thư Đà Nẵng, nơi này trông giống một khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao hơn là một bệnh viện cho người nghèo. Với các thiết kế hiện đại, sang trọng với đầy đủ mọi thứ như: công viên, nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân, nhà ăn sạch sẽ... thì vào 3 buổi trong ngày, tại bệnh viện còn phát cháo tình thương miễn phí. Và cũng chính vì điều này mà nhiều người dân tại đây xem bệnh viện Ung thư Đà Nẵng như biểu tượng của sự "yêu thương" và "nhân đạo" của thành phố này.
9. Wifi miễn phí phủ sóng toàn thành phố
Hãy nói tạm biệt với những ngày phải chui vào quán cafe mới có wifi, hay khốn khổ dò sóng wifi khi đang ngồi hàng bún vỉa hè. Bởi Đà Nẵng là nơi mà bạn có thể dùng wifi ở mọi ngóc ngách trong thành phố. Chưa có thành phố nào tại Việt Nam có dạng dịch vụ miễn phí đặc biệt như thế này. Bắt đầu từ ngày 10/7/2014, thành phố Đà Nẵng đã chính thức cho phủ sóng wifi miễn phí ở khắp các khu vực trung tâm để giúp người dân và khách du lịch có thể kết nối internet ổn định và xuyên suốt.

>> Đặt phòng khách sạn xem pháo hoa Đà Nẵng 2017
10. Đồ ăn cực ngon và rẻ
Khỏi phải nói nhiều về việc người phương Tây yêu thích các món ăn Việt Nam như thế nào. Hà Nội có phở có bún, Sài Gòn nổi lên với bánh tráng, bánh canh hay cơm tấm, thì Đà Nẵng và Hội An lại thực sự là một thiên đường thu nhỏ của ẩm thực. Ở Đà Nẵng, du khách có thể ăn từ những món nhỏ nhất như bánh bèo, bánh nậm với giá vài nghìn/chiếc, cho đến những bát bún mắm ngon lành, bún thịt nướng thơm lừng chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng; hay những ổ bánh mì thịt ruốc thơm ngon ở những xe bánh mì dọc khắp những con phố.
Và hãy chờ cho đến lúc bạn ăn hải sản ở đây! Hải sản tươi ngon vừa được đánh bắt từ biển, lại được chế biến theo khẩu vị đậm đà của người miền Trung. Thế rồi khi bạn tính tiền, tất cả chỉ tốn khoảng vài trăm nghìn. Có lẽ cũng vì điều này mà thậm chí, nhiều người chỉ muốn chuyển quách vào Đà Nẵng sống để hàng ngày được ăn ngon!
11. Bãi biển không có rác
Chúng ta đã quá quen với hình ảnh những bãi biển lổn nhổn toàn rác, với vỏ chai, vỏ bim bim.. vứt bừa bãi khắp nền cát trắng. Thế nhưng ở Đà Nẵng lại là một câu chuyện khác, dù là cuối tuần hay dịp lễ nào có đông du khách đến tắm biển, thì bãi biển này vẫn luôn trong trạng thái sạch sẽ, không rác, không vỏ cua, vỏ ốc tràn lan như những bãi biển du lịch khác. Bởi tại đây có quy định rõ ràng không cho phép cắm trại bạt, ăn uống trên bãi cát. Bãi biển trở về đúng nghĩa của nó, chỉ dành cho mọi người tham quan, tắm biển và dạo mát mà thôi.
Dọc theo bãi biển là những thùng rác hình chim cánh cụt như nhắc nhở du khách "Có rác à, cho tui ăn nhé!". Hoặc nếu có ai đó vô ý thức xả rác bừa bãi, người dân nơi đây cũng sẽ nhắc nhở hoặc tự giác đem rác bỏ vào đúng nơi quy định. Hơn nữa, bạn biết đấy, nhìn bãi biển trắng đẹp thế này, làm sao có ai nỡ ném một cái vỏ lon xuống để rồi nhận phải ánh nhìn khó chịu từ những người xung quanh cơ chứ?
12. InterContinertal Danang Sun Penisula Resort - Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới
Bất cứ ai đã từng đặt chân tới Khu du lịch nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort tại Bắc bán đảo Sơn Trà đều ngỡ ngàng và không tiếc lời khen ngợi trước vẻ đẹp quyến rũ của khu nghỉ dưỡng cao cấp này. Với địa thế hòa quyện tuyệt vời giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và lối kiến trúc tinh tế đầy sáng tạo, nơi đây xứng đáng là một trong những khu nghỉ dưỡng sinh thái đẹp và hiện đại vào loại bậc nhất của khu vực Châu Á.
Dù chỉ mới chính thức đi vào hoạt động hồi năm 2012, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort của Việt Nam trước đó đã sở hữu hàng loạt giải thưởng danh giá trong ngành du lịch. Trong đó, có các giải thưởng khu vực và các hạng mục dịch vụ của WTA trong năm 2014 như Giải Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Châu Á, Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất Việt Nam, Khu nghỉ dưỡng có dịch vụ Spa tốt nhất Việt Nam, Khu nghỉ dưỡng có dịch vụ Spa sang trọng nhất Việt Nam.
13. Giật mình vì giá đồ ăn đồ uống ở sân bay
Ở sân bay quốc tế Đà Nẵng, bạn có thể quên câu chuyện vài chục nghìn một lon cô ca hay cả trăm nghìn một bát mì nhạt nhẽo được rồi. Ở đây phục vụ những món ăn ngon, nhiều mà giá thì... chẳng khác gì quán vỉa hè. Thành phố này thậm chí biết cách làm chúng ta yêu nó ngay cả khi ta đang... dứt áo ra đi.
14. Chợ Cồn - nơi để thưởng thức nhịp sống và đồ ăn ngon nhất của dân bản địa
Nằm trên đường Ông Ích Khiêm, giữa trục trung tâm thành phố Đà Nẵng, Chợ Cồn được xem là một trong những khu chợ lớn và lâu đời nhất. Được xây dựng từ năm 1940, do nằm trên một cồn đất cao giữa lòng phố nên người dân ở đây quen miệng gọi thành tên: Chợ Cồn.
Và bạn biết không, nếu bạn đã đến chợ Cồn rồi, đừng ngại để dành bụng thêm chút nữa để ăn cho đã những món ăn ở đây. Đồ ăn ngon nhất đến từ những đường phố, từ những khu chợ của người dân bản địa, và chợ Cồn chính là một nơi như vậy.
15. Đi toilet công cộng "thoải mái như ở nhà"
Chúng ta đều biết sự khó chịu mỗi khi phải bước chân vào một cái nhà vệ sinh công cộng. Thậm chí có người còn tìm mọi cách để không bao giờ phải đặt chân vào đó! Việc đầu tư cho nhà vệ sinh công cộng, nghe thì thật sự... chẳng có lợi lộc gì, thế nhưng nó mang lại rất nhiều sự... nhẹ nhõm cho khách du lịch.
Và để xây dựng một thành phố ngày càng thân thiện với tất cả mọi người, mới đây, các công trình nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 5 sao đã trở thành một chiến dịch khiến ai cũng ngỡ ngàng thán phục. Hội Doanh nghiệp Hải Châu và Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng phát động chương trình “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home”, nơi nào dán logo này thì khách du lịch và người dân Đà Nẵng có thể vào sử dụng toilet miễn phí .
Một việc làm tưởng nhỏ mà lại không hề nhỏ, vì đã thực sự tạo ấn tượng mạnh mẽ về một Đà Nẵng văn minh và tinh tế.
16. Những sự kiện ngoài trời hoành tráng 
Một năm, người ta có thể đi Đà Nẵng một lần, nhưng cũng có thể đi hai lần, ba lần chỉ bởi vì, ở Đà Nẵng có nhiều... sự kiện vui quá. Nào là lễ hội Pháo hoa hoành tráng, cả nhà cũng có thể kết hợp đi xem pháo hoa và nghỉ ngơi, du lịch, rồi rất nhiều các festival âm nhạc cũng bắt đầu được lựa chọn tổ chức ở thành phố biển xinh đẹp này. Chưa kể đến việc, cuộc thi Iron Man cũng vừa được tổ chức tại Đà Nẵng. Các sự kiện hay hoạt động ở Đà Nẵng đều rất đa dạng, cái này hợp với cả gia đình, cái kia hợp với người trẻ, cái lại hợp với những ai ưa phiêu lưu. Tất cả tạo nên một Đà Nẵng không chỉ đẹp, thân thiện mà còn cực kỳ thú vị và chẳng lúc nào ngưng nghỉ niềm vui.

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

180 tỷ đồng cho cuộc thi pháo hoa quốc tế năm 2017 ở Đà Nẵng

Lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2017 sẽ kéo dài từ ngày 29/4
đến 24/6. Theo đại diện ban tổ chức, dự kiến kinh phí cho cuộc thi này khoảng
180 tỷ đồng.
Sáng 7/2, đại diện đơn vị tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2017), cho biết cuộc thi năm nay sẽ kéo dài trong 2 tháng (từ ngày 29/4 đến 24/6). Kinh phí dự kiến để tổ chức lễ hội khoảng 180 tỷ đồng. Số tiền này do một đơn vị tư nhân chi trả và một phần được huy động từ công tác xã hội hóa.

Lễ hội DIFF 2017 có chủ đề “Tỏa sáng Ngũ Hành Sơn” với sự tham gia của 8 đội,
gồm: Thụy Sĩ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Ý, Úc, Áo và Việt Nam. Pháo hoa sẽ
được bắn vào 5 tối thứ bảy các ngày 29/4, 20/5, 27/5, 3/6 và 24/6. Địa điểm bắn pháo
hoa vẫn ở vị trí giữa sông Hàn, đối diện khách sạn Novotel.
>>Tham khảo : Tour Đà Nẵng pháo hoa 2017 chất lượng
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng, mặc dù DIFF 2017 được giao cho
một đơn vị tư nhân tổ chức nhưng công tác chỉ đạo chung vẫn do UBND TP
Đà Nẵng thực hiện. Giá vé xem pháo hoa vẫn giữ nguyên như những năm trước,
giao động từ 300.000 - 500.000 đồng/vé, tùy thuộc vào vị trí xem.
Theo: zing.vn